Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (V and VI)

V. [Tiếp theo kì trước]
Trầm ngâm hội hồi, Khải Mông thưa:
- Thưa thầy, sách Quỳ hoa bảo điển đã đành lưu lạc sang Tầu từ hồi Lục Dận, ở Tầu không ai luyện được, vì rằng khẩu quyết không có. Thế thì sao sau này anh Đông Phương Tất Thắng (tự Bất Bại) luyện được môn Kim châm bí pháp và Nhạc Truồng (tự Bất Quần) lại luyện được môn Tịch tà kiếm phổ ạ?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Việc này kể ra cũng khá dài dòng đấy.
- Nguyên là sau khi cụ Lí đã nghiên cứu, nâng cấp, bổ sung các môn công phu trong Quỳ hoa bao điển xong, cụ cẩn thận chép mỗi môn thành một sách riêng, lưu trong Tàng thư lâu của mình. Riêng phần Lời tựa và khẩu quyết thì cụ chép riêng, lưu ở chỗ khác cùng một số tác phẩm thuộc thể thơ ca, tựa bạt, v,v… Sau khi cụ qua đời, các sách đó vẫn còn cả. Nhưng rủi thay mười năm sau khi cụ mất, có tay hoạn quan đọc sách trong đó, vô ý trong việc dùng nến, khiến cho thư lâu của cụ bị hỏa hoạn, cách sách đều cháy thành tro tàn. Ôi, đau đớn thay, với nền võ học của ta mà nói, đây là một sự tổn thất không gì có thể bù đắp được.
Nói đến đây, Tiên sinh Tiều Lộ như lặng đi một hồi lâu.
Như hiểu nỗi niềm của thày, một lúc sau Khải Mông mới dám cất lời:
- Thưa thày, từ những việc thầy đã kể, có thể thấy từ xa xưa nước ta đã có một nền võ học cực phát triển vậy. Tiếc thay tài liệu sách vở không lưu lại được mấy, tiếc lắm thay!
Tiên sinh:
Uh!
Lại hỏi:
- Thưa thầy việc sau đó thế nào ạ?
Đáp:
- Sau vụ hỏa hoạn, nhà vua bèn xuống chiếu cho các hoạn quan năng văn trong nội điện sưu tập các tác phẩm của cụ Lí, tập hợp thành Lí công di cảo. Bài tựa Quỳ hoa bảo điển tất nhiên có mặt trong bộ di cảo này.
Lại sau đó 8 năm, bấy giờ tình hình quan hệ giữa ta và nhà Tống khá là bình ổn, nhân nhà triều đình nhà Tống có tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về Công tác tuyển chọn và huấn luyện hoạn quan và tầm quan trọng của nó trong việc xử lí sự vụ ở nội cung, họ gửi thư mời Đại Việt cử người viết báo cáo tham dự. Thấy nhà Tống cũng đầy thiện ý, vả cuộc hội thảo này có nhiều nước tham dự, rất bổ ích cho các hoạn quan nước nhà, nhà Lí lập tức cử phái đoàn gồm 10 hoạn quan tham gia. Cầm đầu phái đoàn hoạn quan của Đại Việt bấy giờ là Lí Dị Vong. Lí Dị Vong vốn là cháu của cụ Lí vậy.
Khải Mông thưa:
- Thưa thầy, cụ Lí đã tịnh thân, sao có cháu được ạ?
Đáp:
- Đơn giản vì trước khi tịnh thân thì cụ đã có gia đình và có con rồi. Người ta có thủ rồi thì xả rất dễ vậy.
Lại hỏi:
- Sao cái tên nghe kì kì vậy ạ?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
Lí Dị Vong thứ nhất là cháu danh thần, được tập ấm. Thứ hai, người này có lẽ ít nhiều thừa hưởng được cái gien thông minh xuất chúng của ông ngoại nên đầu óc sáng láng, không những ứng biến linh họat mà xuất khẩu thành chương, đi tám bước có thể làm xong một bài thất ngôn bát cú; riêng vì có tính hay đãng trí bác học nên thọat đầu tên là Thông Bác, sau tự cải là Dị Vong, nghĩa là dễ quên, hay quên vậy.
Trong chuyến đi này, dị vong mang theo di cảo của ông mình sang Tầu, đặng khoe với người Tầu rằng cụ tổ mình là quan hoạn nhưng văn vũ kiêm bị, là bậc anh tài quán thế; đồng thời cũng có ý nhắc khéo chuyện xưa cho thằng Tầu phải nể sợ.
Khi sang nhà Tống, báo cáo của đoàn Đại Việt được đánh giá rất cao. Chính vì thế không ít hoạn quan nhà Tống xin được tiếp xúc với phái đoàn Đại Việt đặng trao đổi kinh nghiệm. Trong số các hoạn quan Tầu gần gũi nhất với phái đoàn Đại Việc có một người họ Lâm, chính là cụ kị của nhà Lâm Bình Chi sau này.
Nhân đọc di cảo của cụ Lí, họ Lâm mừng như bắt được Ru bi khi thấy lời tựa và khẩu quyết của Quỳ hoa bảo điển. Trước khi trả sách, ông ta liền rút ruột ngay phần đó, dấu nhẹm đi. Đến khi Dị Vong về nước, xem lại sách mới thấy sách bị xé mất mấy tờ, ân hận mãi nhưng không biết làm sao được nữa, chỉ biết quay về phương Bắc chửi đổng mấy câu mà thôi.
Khải Mông:
- Thưa thày, ông Dị Vong rõ là bất cẩn quá phải không ạ?
Đáp:
- Vừa đúng lại vừa không.
Là vì ông ta biết rằng vốn chính văn Quỳ hoa bảo điển đã cháy mất nên dẫu có cái lời tựa và khẩu quyết này thì cũng không giải quyết được gì, mà quên đi rằng sách ấy trước đã lưu lạc bên Tầu rồi. Vả lại thì việc sách sang Tầu đã quá xa, nên lâu ngày thì việc quên cũng là dể hiểu thôi.
Khải Mông:
- Tiếp đó thì sao ạ?
Tiên sinh kể tiếp:
- Từ hồi Lục Dật mang Quỳ hoa bảo điển về Tầu, người Tầu đua nhau học, sau thấy sách mô tả chiêu thức thì diệu kì mà luyện mãi không thành, họ đồ rằng chỉ là nói nhăng, kì thực con người ta không thể đạt đến trịnh độ võ học như thế. Lâu dần, càng ngày càng ít người quan tâm đến Quỳ hoa bảo điển, khiến sách dần cũng mất mát, đến thời Tống thì chỉ còn phần Kim châm bí pháp và Tịch tà kiếm phổ mà thôi.
Lại nói về hoạn quan họ Lâm kia, lúc đầu là hoạn quan, sau lại tu Thiền, vốn có lần cứu mạng một tay thợ thêu ở Khai phong. Tay này vô tình có được bản Quỳ hoa bảo điển còn hai môn công phu như đã nói. Y có luyện, tất nhiên là không thành tựu gì. Sau, y đồ mình thiên tư võ học không phải là tuyệt cao mà luyện liền hai môn, e ôm đồm quá, nên chỉ luyện môn Kim châm bí pháp, vốn thấy hợp với nghề thuê thùa của mình mà thôi, còn môn Tịch tà kiếm phổ thì tặng cho hoạn quan họ Lâm vì ông ta có ơn với mình, lại chuyên dùng kiếm. Hoạn quan họ Lâm vốn kiếm nghệ rất cao, được công phu này thì rất thích, nhưng nhận thấy là không có khẩu quyết, nên dục tốc bất đạt. Thế là ông ta liền nhờ người thợ thuê kia thêu luôn Tịch tà kiếm phổ vào chiếc áo cà sa của mình để lúc nào cần có thể bỏ ra nghiền ngẫm thêm. Đến khi có được phần lời tựa của cuốn sách, ông ta mừng đến phát điên, lập tức chiếu theo khẩu quyết mà luyện, do ông ta là hoạn quan, lại có khẩu quyết nên chẳng mấy chốc đã luyện thành được Tịch tà kiếm phổ. Vì cảm ơn cho bí kíp của người bạn thợ thêu, ông ta liền đem phần lời tựa ấy đến cho người thợ thuê chép lại.
Hỏi:
- Rồi sao ạ?
Đáp:
- Tay thợ thuê đó tuy có khẩu quyết rồi, nhưng tư chất không đủ cao, nên luyện vẫn không thành. Mãi nhiều đời sau, cháu chắt hắn mới thành công, xưng hùng xưng bá một thời vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, phải chăng đó chính là Đông Phương Tất Thắng.
Đáp:
- Chính y. Tiếc rằng sau khi y chết thì môn Kim chân bí pháp cũng thất truyền.
Khải Mông:
- Thưa thầy, còn họ Lâm thì thế nào?
Đáp:
- Trong lần đến chỗ người bạn thợ thuê để chia sẻ phần lời tựa và khẩu quyết, họ Lâm nhờ tay thợ thuê thêu luôn phần ấy vào áo cà sa, nhưng ngặt là trước đã thêu chính văn, không còn chỗ trống nữa đành thôi. Thế là nguyên văn một văn bản, lời tựa và khẩu quyết thì lại một văn bản khác. Để phòng có sự mất mát, ông ta liền khâu luôn mấy trang lời tựa và khẩu quyết vào trong tay áo, rồi cất kĩ chiếc áo, coi đó là báu vật gia truyền. Họ Lâm vì Tịch tà kiếm phổ mà tiếng tăm lẫy lừng quốc nội. Người võ lâm ai cũng thèm thuồng môn bí kíp ấy, nhưng vừa thèm thuồng vừa kinh hãi, không kẻ nào dám ra tay cướp đọat. Sau, ông mất đột ngột, không kịp trăn trối lại một cách tỉ mỉ, chỉ kịp nói rằng chiếc áo cà sa có chép bí kíp võ học, con cháu phải bảo quản thật chu tuyền mà thôi.
Dần truyền đến đời cha mẹ Lâm Bình Chi, do đinh ninh vật tổ truyền nhà mình chỉ có là văn bản trên áo cà sa thôi, nên cố công luyện tập, rốt cục cũng chỉ đạt được cái vỏ của chiêu thức. Võ lâm bấy giờ nhận thấy con cháu nhà họ Lâm không có kẻ nào học được bí pháp tổ truyền, nên hò nhau ra tay cướp đọat. Vụ việc này về thể Kim Dung có tư liệu nên đã nói khá tường tận trong Tiếu ngạo giang hồ.
[Còn nữa…]

VI. [Tiếp theo kì trước]
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, cha mẹ của Lâm Bình Chi không biết bí mật của chiếc áo, sau sau này, khi Nhạc Truồng chiếm được áo ấy thì y lại luyện được Tịch tà kiếm phổ?
Tiên sinh Tiều Lộ đáp:
- Con đọc sách, không thấy Nhạc Truồng là tay cơ mưu thâm trầm ư? Sau khi được chiếc áo rồi, thọat tiên y cũng có luyện theo bí kíp, nhưng không thành. Y đã suy ngẫm rất nhiều, cuối cùng phát hiện được phần Lời tựa và khẩu quyết. Thế là y lập tức khổ luyện, quả nhiên thành công.
Sau khi đã luyện xong, y liền tẩu tán cái áo và khẩu quyết, vô tình Lâm Bình Chi nhặt được, án theo khẩu quyết, cũng luyện thành công.
Khải Mông tỏ ý băn khoăn:
- Thưa thầy, con có điều không hiểu ạ.
Hỏi:
- Điều gì vậy?
Đáp:
- Như thày nói thì Quỳ hoa bảo điển là võ công tối thượng, sao anh Đông Phương Tất Thắng, Nhạc Truồng và Lâm Bình Chi đều luyện thành mà cuối cùng đều không phải là vô địch? Như nói về Nhạc Truồng, tuy luyện được Tịch tà kiếm phổ mà cuối cùng vẫn không thắng nổi chàng Lệnh Hồ đó thôi. Xem thế thì Quỳ hoa bảo điển không thắng được võ công Hoa Hạ.
Tiều Lộ tiên sinh cả cười đáp:
- Con nhầm rồi, võ công Hoa Hạ sao sánh được với Quỳ hoa bảo điển của nước Nam ta. Sở dĩ có hiện tượng như trên là vì Quỳ hoa bảo điển đến tay họ đều là bản tàn khuyết, thiếu mất phần Âm Dương thần chưởng, là công phu nền tảng để phát huy các bí kíp kia đến mức tối thượng. Do đó cái mà họ luyện được chưa phải tầm chót của các công phu đó vậy. Môn công phu Đàn chỉ thần công của đảo Đào hoa cũng tương tự như vậy thôi.
Khải Mông:
- Trước thầy có nói rằng Nhạc Truồng chết vốn không liên quan đến Lệnh Hồ công tử, việc ấy rốt cục thế nào:
Đáp:
- Sau khi bị Lệnh Hồ Xung đánh bại, Nhạc Bất Quần ngờ là mình luyện tập bí kíp có chỗ chưa đúng nên tìm lại bí kíp đặng nghiên cứu thêm. Nhưng bí kíp bấy giờ Lâm Bình Chi đã lấy mất, y phải dụng không khá nhiều cuối cùng mới tìm lại được. Sau khi tìm được bí kíp, Nhạc Truồng mở ra nghiền ngẫm, phát hiện quả nhiên mình luyện không thấu đáo.
Khải Mông:
- Sao có thể có chuyện đó được ạ?
Đáp: Nguyên vì lúc trước sau nhiều năm toan tính mưa đọat bí kíp để luyện thành võ công tối thượng xưng bá thiên hạ, đến khi bí kíp có trong tay rồi, Nhạc Truồng vội mở đọc ngay, thấy lời tựa ghi:
“Quỳ hoa bảo điển tự: Quỳ hoa bảo điển giả, tối thượng chi công phu dã. Thử thư, Trưng Vương sở tác. Thử thư chi bí kíp, nữ nhân sở sáng, nhân thử dĩ âm nhu vi chủ. Nam nhân DỤC THÀNH THỬ CÔNG, DẪN ĐAO TỰ CUNG”.
Nghĩa là: “Lời tựa Quỳ hoa bảo điển: Quỳ hoa bảo điển, là công phu tối thượng vậy. Sách này do Trương Vương viết nên. Công phu trong sách này do phụ nữ sáng tạo nên, do vậy lấy âm nhu làm căn bản. Nam nhân MUỐN THÀNH TỰU CÔNG PHU NÀY, PHẢI VUNG DAO TỰ THIẾN”.
Cái tâm cơ thâm trầm đến lúc này cũng không chế ngự nổi nổi tham vọng bá chủ võ lâm đã hiện ngay trước mắt, Nhạc Truồng vung kiếm: xo.. oẹt! Rồi tức tốc điểm huyệt cầm máu, đọc ngay sang phần khẩu quyết, sau đó án sang chính văn, bắt đầu luyện ngay.
Đến lúc này, cẩn thận đọc lại, Nhạc Truồng phát hiện ra phần lời tựa còn thêm hai trang sau vốn vì nóng lòng nên lão đã bỏ qua. Lúc này đọc lại thật kĩ, hóa ra đó là phần cụ Lí nói về tầm quan trọng của môn Âm dương thần chưởng trong việc thúc đẩy Tịch tà kiếm phổ đến mức đại thành như thế nào, phân tích sự hỗn nhập âm dương trong con người thế nào. Đọc xong hai trang, Nhạc Truồng nhận thấy rằng tuy lời tựa cho lão rõ về tầm quan trọng của môn Âm dương thần chưởng, nhưng công phu ấy đã mất nên dẫu lão có luyện tập mãi thì Tịch tà kiếm phổ của lão cũng không thể xưng hùng thiên hạ được. Thế mà lao vì môn công phu ấy mà hủy hoại thân danh, nhà tan cửa nát, cuối cùng công cốc, thực là đáng hận thay. Lại đọc cố đến câu cuối bài tựa, thấy cụ Lí ghi:
“Dĩ thượng kí thuyết Âm dương thần chưởng dữ Tịch tà kiếm phổ chi quan hệ tịnh ngã thân âm dương tương tế chi thuyết. Nhược thông thử lí, nhược thành Âm dương thần chưởng chi công phu, khả dĩ thuyết: NHƯỢC BẤT TỰ CUNG, DIỆC THÀNH THỬ CÔNG”.
Nghĩa là: “Ở trên đã nói về mối quan hệ của Âm dương thần chưởng là Tịch tà kiếm phổ cùng thuyết về sự kết hợp tương hỗ giữa âm và dương trong chính thân ta. Ví phỏng hiểu được lẽ đó, ví phỏng thành tựu được công phu Âm dương thần chưởng, thì có thể nói rằng: NẾU KHÔNG TỰ THIẾN, CŨNG THÀNH TỰU ĐƯỢC CÔNG PHU TỊCH TÀ KIẾM PHỔ NÀY”.
Đọc đến đây, Nhạc Truồng hộc lên một tiếng, vận công bóp bí kíp tan thành bụi, miệng thổ máu tươi chết ngay tức thì.
Khải Mông:
- Thưa thày, chắc anh Lâm Bình Chi cũng không có đọc phần Lời tựa này?
Đáp:
- Y có đọc cả, nhưng vì mối thù hận quá lớn, vả viết rằng họ Nhạc cũng chỉ có thể đạt đến mức độ nhất định, nên cũng rút kiếm thiến luôn… tiếc rằng sau cũng chỉ đến thế mà thôi.
Ôi, võ công thể tráng thân, vệ quốc, bảo vệ chính nghĩa thì mới có thể đạt đến mức thông thần. Như những kẻ kia, người tối mắt vì tham vọng, kẻ cuồng nộ vì hận thù, nên không có được kết quả tốt đẹp cuối cùng, thật đáng giận mà cũng đáng để thương hại vậy!
Khải Mông:
- Dạ!

2 nhận xét:

  1. Hế lô anh, em cũng tậu một căn ở khu chung cư này rùi, he he.
    Mà em chả phân biệt được tác phẩm của anh bắt đầu từ phần nào, anh hiển thị lại thời gian rõ hơn đi. Em thích đọc mọi thứ lần lượt theo thứ tự, hì.
    Sozi anh vì đã lảm nhảm trong phần Nhận xét này, nhưng là do khổ chủ chưa tạo box Quick comment đấy nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Bác vít tiếp đi. Hehehehehe!!!!!

    Trả lờiXóa