Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (IV)

[Tiếp theo kì trước]
Khải Mông thưa:
- Lời thày nói con đây đã tỏ rồi ạ! Nhưng thưa thầy, ở trên thày có nói đến môn Bắn bi thần công, và tay Quách Quỳ cũng bị đưa vào tội bất hiếu vì môn công phu này, phải chăng đó chính là môn công phu Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Cái đó cố nhiên rồi, cũng hệt như môn Tịch tà kiếm phổ đã được cụ Lí phổ vào đao pháp vậy. Nói chung, người Việt ta khi nghiên cứu cái gì thường tiếp thu có sáng tạo chứ không dập khuôn y nguyên vẹn, có như thế thì cái cũ mới được nâng cao lên, như nay ta hay nói là “Nâng lên một tầm cao mới” đó vậy.
Khải Mông thưa:
- Thưa thày con thấy bên Tầu có công phu Đàn chỉ thần công. Vậy anh Đàn chỉ thần công có liên hệ gì với môn Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển mà cụ Lí đã nghiên cứu không?
Tiên sinh Tiều Lộ mỉm cười khen:
- Câu hỏi rõ là hay thay!
Nguyên về việc này, nó ra thật cũng dài dòng lắm. Đại thể thế này: Cụ Lí khi nghiên cứu môn công phu Kim châm bí pháp, thấy nó nữ tính quá nên cụ nghiên cứu rất kĩ về nguyên lí triển khai chiêu thức và cách phát huy của nó. Sau khi nghiên cứu thành công, cụ rút anh Kim châm bí pháp ra thành một sách riêng, đặt tên Nôm là Bắn bi thần công (tập hạ). Sau, sách này truyền sang Tầu, cuối Tống có anh Hoàng Dược Sư tìm được tập hạ, dụng tâm nghiên cứu nhiều năm mới thành, đổi tên thành Hán văn là môn Đàn chỉ thần công. Do chỉ có tập hạ nên anh Đàn chỉ thần công xét về uy lực chỉ bằng non nửa công phu Bắn bi thần công của cụ Lí thôi. Sau đấy anh Dược Sư truyền cho anh Dương Quá. Dương Quá do hồi bé có học phái Cổ mộ, phái cổ Mộ công phu thiên về âm như, Dương Quá nhờ đó mà phát huy anh Đàn chỉ thần công lên tầm cao hơn, nhưng tất nhiên không thể so với môn Bắn bi thần công được.
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, môn Bắn bi thần công vốn gốc ở môn Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển, Hoàng Dược Sư là nam nhân, sao lại luyện thành được ạ?
Tiên sinh đáp:
- Là vì nó đã qua tay cụ Lí chỉnh lí và cải biến rồi, không còn như nguyên gốc nữa.
Khải Mông:
- Thưa thầy, môn ấy theo đường nào mà lại truyền sang Tầu ạ?
Đáp:
Môn công phu này chính là công phu mà cụ Lí đã truyền thụ cho phần lớn quân binh tham gia trận đánh Tống hồi trước. Do môn này nhiều người biết nên cánh người Tống cũng nắm được, và truyền nhập vô Tầu từ hồi Tống là vì vậy. Riêng mấy môn còn lại thì bấy giờ cụ Lí chỉ truyền cho cánh Hoạn quan dưới quyền cụ thôi.
Lại hỏi:
- Vậy sau cụ Lí thì tình hình Quỳ hoa bảo điển thế nào ạ?
Tiều Lộ tiên sinh nói:
- Bia lắm nhắm nhiều, vội nói chuyện ấy thì bỏ bia chôn nhắm sao?
Khải Mông:
- Dạ.
Uống thêm vại bia, Tiên sinh chậm rãi hỏi:
- Con có biết rằng Quỳ hoa bảo điển đến cụ Lí thầy lại nói là một khâu quan trọng trong sự lưu truyền của nó không?
Thưa:
- Xin thầy khai mở sự ngu muội cho con ạ!
Tiên sinh Tiều Lộ mắt nhìn xa xăm theo áng mây chiều đang trôi dần về cuối trời, sau lát trầm ngâm lại chậm rãi nói:
- Cụ Lí khi có được Quỳ hoa bảo điển, cụ đã tốn nhiều tâm cơ về nó lắm.
Trước hết là cụ cải biến môn anh Kim châm bí pháp thành Bắn bi thần công và trích Bắn bi thần công thành sách riêng.
Với anh Tịch tà kiếm phổ thi cụ có nghiên cứu riêng, chuộng ý mà không chuộng mình, như lối Ý lâm trong thư pháp vậy. Đồng thời với việc đó, cụ cũng có nâng cấp và cải biến nhiều, trích thủ những chiêu thức thiết dụng nhất đẻ truyền dạy cho quan binh. Chính vì thế mà quân đội Đại Việt xưa nổi tiếng là thiện chiến, nhưng không thấy sử sách ta ghi gì về anh Tịch tà kiếm phổ nữa.
Riêng anh Âm dương thần chưởng mới là môn cụ dụng công nhiều nhất, vì đạt đến tột đỉnh của các công phu trong Quỳ hoa bảo điển hay không chính nhờ môn này. Môn này lấy căn bản về nội lực để phát chưởng. Trong phạm vi hẹp, nó môn riêng, chuyên về chưởng pháp; trong tổng thể của Quỳ hoa bào điển, nó chính là cái gốc để phát huy cái diệu dụng của các môn kia, có thể coi anh Âm dương thần chưởng là cái Duyên khởi của các công phu khác trong Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, phải chăng duyên khởi cho những vụ việc phức tạp sau này, chẳng hạn việc xảy ra như nói trong Tiếu ngạo giang hồ cũng chính từ anh Âm dương thần chưởng này ạ?
Tiên sinh Tiều lộ đáp:
- Chính vậy.
Cụ Lí tuổi càng cao thì võ nghệ càng uyên áo. Sau khi giặc ngoài đã bị dẹp, tình hình trong nước ổn định thì cụ cũng không phải bận tâm nhiều về chuyện quân cơ và trị lí nữa nên có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu Âm dương thần chưởng. Sau nhiều năm nghiên cứu, có một câu hỏi mà cụ Lí cứ luôn canh cánh bên lòng.
Khải mông nóng ruột hỏi:
- Thưa thày đó là vấn đề gì ạ?
Đáp:
- Chính ở tên gọi môn công phu đó.
Khải Mông ra chiều đăm chiêu:
- Thưa thầy, con không hiểu, thầy có thể vì con mà chỉ dạy không ạ?
Tiên sinh cười hiền hậu đáp:
- Con thử nghĩ, sao lại là Âm dương thần chưởng mà không phải thuần âm, hay thuần dương, chẳng hạn như: Cửu dương thần công, Cửu âm bạch cốt trảo? Môn Âm dương thần chưởng vốn chia làm 2, hai kết hợp thành một, một và hai thành ba, ba hợp lại thành một, tức là Âm dương thần chưởng.
Khải Mông:
- Con thấy hơi rối ạ!
Đáp:
- Rất đơn giản thôi:
Âm dương thần chưởng vốn chia thành hai, gồm âm chưởng và dương chưởng. Âm và dương chưởng kết hợp lại thành một chưởng thống nhất bao gồm cả âm và dương gọi là Âm dương hợp chưởng ấy lại là một vậy. Tách âm ra âm, dương ra dương, và âm dương kết hợp mà nói thì thành ba. Ba cái đó đều thuộc môn Âm dương thần chưởng nên lại gọi chung thành một.
Hỏi:
- Con vẫn không hiểu cái gọi là Duyên khởi như thầy đã nói ạ!
Đáp:
- Việc là thế này. Cụ Lí sau khi đã xuống nhà Tằm, sự luyện công tốc thành, cụ mới nhận ra là sách Quỳ hoa bảo điển vốn do nữ sáng chế nên nó có tính âm nhu. Nhưng đến khi cụ đã truy cứu đến cùng cực công phu âm dương thần chưởng thì lại nhận thấy rằng nhận định trước đó có cái cần điều chỉnh. Là vì sao vậy?
Vì anh Âm dương thần chưởng vốn đâu có thuần âm nhu, nó là âm dương tương tế. Như cụ luyện thành thì không nói làm gì, nhưng khi xưa, bà Trưng tất nhiên tinh rành vì bà vốn sáng chế ra nó, bà Triệu sau đó cũng thành tựu. Vậy thì nó đâu có liên quan đến nam hay nữ, hay như cụ. Rất lâu sau cụ mới kiến giải được vấn đề nan giải đó.
Hỏi:
- Xin thầy nói tiếp đi ạ!
Thày lại uống thêm cốc bia rồi vuốt râu, tiếp tục giảng cho trò:
- Cụ Lí cho là sở dĩ nữ nhân, hay như cụ có thể luyện thành được môn Âm dương thần chưởng chính vì vật trong vũ trụ vốn không có cái gì thuần dương, hay thuần âm. Như trong thái dương thì có thiếu âm, trong thái âm có thiếu dương; âm dương lại thống nhất trong thái cực. Như vậy thì người ta, dẫu nam hay nữ đều có hai mặt âm dương. Đấy là cái nguyên lí triết học rất sâu mà Bà Triệu đã thẩm thấu đến mức tinh vi. Cho nên Âm dương thần chưởng là môn công phu phát khởi được cả hai yếu tố Âm và dương, lúc thì phân chia, lúc thì kết hợp, lấy đó dẫn khởi cho công phu tuyệt học thì cái uy lực của chiêu thức mới thật là đến kì mĩ vậy.
Khám phá được điều này, truy xét được nguyên lí, cụ Lí tiến hành chỉnh lí tổng thể bộ Quỳ hoa bảo điển, nâng cấp nó, bổ khuyết cho nó.
Hỏi:
- Thưa thầy, bổ khuyết thế nào ạ?
Đáp:
- Nếu trước đây, Quỳ hoa bảo điển chỉ có nữ, hoặc nam nhân đã tịnh thân mới có thể luyện thành thì lúc này, dưới sự nâng cấp, bổ khuyết của cụ Lí, mọi người đều có thể luyện thành được. Những điều tâm đắc, những sự nâng cấp được cụ cẩn thận ghi lại trong lời tựa sách Quỳ hoa bảo điển.
[….còn nữa….].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét