Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

TIỀU LỘ NGỮ LỤC - Chương đặc biệt

Một ngày nọ, nhân lúc hầu bia thầy, Khải Mông hỏi thầy:
- Thưa thầy, con thấy trên Tàng kinh xép (Gác xép đích xép) của thầy có cuốn Tiếu ngạo giang hồ, con đã đọc qua, thấy trong truyện, anh chàng Lệnh Hồ là tay khá, ấy vậy mà rồi đến lúc cuối lại dính đến vụ phải dao kiếm hạ thầy, đến nỗi thày phải vong mạng, tuy cũng là kết cục ắt có của kẻ đại ác, nhưng thực cũng có cái không trọn vẹn. Phải chăng là chỗ ấy, tác giả có ít nhiều bất cập chăng?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con đọc sách cũng khá gọi là tinh, có thể cùng nói về chưởng được rồi vậy. Nay con mua phải món Mộc tồn khí hơi già, bền mồi, thầy nhân đây cũng nói thêm cho con được biết.
Nguyên cái sự đa đoan của truyện ấy là vì anh Tịch tà kiếm phổ mà ra. Cái anh tịch tà kiếm phổ này, ông Kim Dung hiểu về nó còn nông cạn lắm, cho nên chưa biết được gốc gác câu chuyện, chỉ đinh ninh nó vốn là vật tổ truyền của nhà họ Lâm mà thôi. Kì thực không phải vậy. Tịch tà kiếm phổ vốn là của Việt Nam ta vậy.
Xưa, Bà Trưng căm giặc nước rông càn, phất quần nương tử thay quyền tướng quân, đánh cho giặc thất điên bát đảo. Người đàn bà ấy cùng đạo quân của bà vì sao có thể có sức mạnh ghê gớm vậy? Theo sách đồng mà thầy mới khai quật được các nay vài chục năm bên bãi sông nọ, mới hay đội quân của bà ai nấy đều vũ nghệ rất chi là tinh thông. Theo tài liệu này, Bà Trưng vốn có thiên bẩm mẫn tuệ, tư chất hơn người, lại nhiều lần gặp kì duyên, được danh sư chỉ giáo, sau rốt bà tổng kết võ nghệ danh gia, chế ra môn võ công đặc dị là Quỳ hoa bảo điển. Kì hoa bảo điển bao gồm trong đó ba môn tuyệt học là: Âm dương thần chưởng, Tịch tà kiếm phổ và Kim châm bí pháp. Được trang bị ba môn này nên quân bà đi đến đâu, giặc nếu không mất mạng thì cũng mất dép. Ngặt nỗi sau đấy mắc mưu gian của giặc, cuối cùng ôm bí phổ mà ra đi. Thật là một cáy sự đáng tiếc lắm.!
- Khải Mông thưa: Dạ thưa thầy, gần đây, giới khảo cổ khai quật được một số xác giặc ở chiến địa xưa, thấy xương chúng lỗ chỗ, phải chăng đó là do anh Kim châm bí pháp gây ra?
Thầy đáp:
- Chính vậy. Anh khảo cổ thật là rất hữu dụng nhất là trong tình trạng thư tịch mất mát như nước ta vậy.
Khải Mông hỏi tiếp:
- Thưa thầy, thầy mới chỉ ra gốc gác của môn Tịch tà kiếm phổ, chứ chưa nói việc sau đó thế nào?
Đáp:
- Mồi bền, con cứ yên tâm, để thầy nói tuần tự cho hay.
Lại nói khi Bà Trưng mất đi rồi, những tưởng môn tuyệt học kia sẽ thất truyền, không ngờ sau đấy, duyên may run rủi, có người đã tình cờ mà thấy được nó, người đó không phải ai đâu xa lạ, chính thị là Bà Triệu.
Bà Triệu sau khi có được sách này liền ngày đêm luyện tập, chả mấy chốc đã kiêm thông cả ba môn tuyệt học kia. Không chỉ vậy, với tố chất đặc dị khác người, bà còn luyện thêm được một môn công phu độc đáo khác mà công phu ấy về sau chưa thấy ai tiếp thu và tập luyện thành công. Về công phu này, lúc khác thày sẽ nói cho con tỏ tường.
Khải Mông:
- Dạ thưa thầy, sau đó thế nào?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con có biết anh Hạng Vũ không? Vũ vốn có sức tuyệt luân, lại được truyền thụ võ nghệ, nhưng nhận thấy cái sức mạnh một thân mình không đủ gồm thâu thiên hạ nên chuyển qua học binh pháp. Binh pháp thực lợi hại. Bà Triệu tuy võ công rất Zíp (siêu quần dã), nhưng anh Lục Dận (cháu Lục Tốn) vốn là tay trí trá, lại tinh thông gia học nên rốt cục bà mắc phải kế gian, ôm hận ra đi. Âu lại là một cái đáng tiếc vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, một thân võ nghệ mà vẫn phải ôm hận mà về, thực là xót xa chi thậm. Vậy sau khi bà mất, Quỳ hoa bảo điển luân lạc về đâu ạ?
Đáp:
- Bà Triệu ra đi rồi, Quỳ hoa bảo điển cũng biến mất. Gần đây, theo khảo cứu của hội Thiên nhân, sau khi đánh bại Bà Triệu, Lục Dận đã thu được sách này và đưa về bên Tầu. Từ đó, Quỳ hoa bảo điển lưu lạc bên ấy, quá trình truyền lưu rất phức tạp, nhất thời không thể nói xiết được.
Khải Mông:
- Thầy nói có điều con chưa thông ạ.
Hỏi:
- Điều nào vậy?
Thưa:
- Như thầy nói, anh Quỳ hoa bảo điển đã sang Tầu từ hồi nhà Ngô rồi, sao sau đó trong vũ lâm không thấy cao thủ nào sử dụng công phu này?
Tiều Lộ tiên sinh uống thêm vại bia rồi chậm chạp nói tiếp:
- Con hỏi thực hay. Cái gì cũng có cái lí của nó vậy.
Nguyên Quỳ hoa bảo điển cũng như các môn tuyệt học khác thôi, có thư mà không có người truyền thụ cho thì không phải dễ tự mày mò mà được đâu.
Hỏi:
Sao trước đây bà Triệu lại luyện thành được ạ?
Đáp:
- Sách hồi bà Triệu dùng là sách hoàn bị, sau, phòng sách không may rơi vào tay kẻ gian nên bà Triệu đã tách phần khẩu quyết ra riêng một chỗ. Bà tiên đoán quả như thần vậy, anh Lục Dận vợt được sách đó, nhưng thiếu khẩu quyết nên thành ra vô dụng vậy.
Hỏi:
- Thưa thầy, sao sau này, cánh Nhạc Truồng (Bất quần: Truồng dã) lại luyện được đến cảnh giới cao đến vậy?
Đáp:
- Ấy là chuyện sau này đó con, ta hãy tạm chưa nói đến.
Lại hỏi:
- Thưa thầy, sách Tầu chôm mất rồi, thật là uổng thay!
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
Cái đó chưa hẳn. Sau này, ở nước ta có người nhờ thiện duyên mà lại luyện thành được công phu đó vậy?
Hỏi:
- Thưa thầy? Ai vậy ạ?
Đáp:
- Con có biết đền thờ bà Trưng ở đâu không?
Đáp:
- Dạ thưa, các cách sông Nhị Hà chả mấy, vốn ở xứ Đoái.
Thầy:
- Uh.
Theo cuốn Nhị Trưng bí phổ, trước khi mất, Bà Trưng có nhờ tỉ muội mình chép thêm một phó bản Quỳ hoa bảo điển. Chính bản sau bà Triệu có được. Phó bản đó vốn cất ở nơi bí mật. Về sau, bà lại ứng mộng cho dân làng mang nó về đền. Nguyên sách được niêm phong kín, lại để trong hộp nên dân làng vốn cũng không biết bản lai diện mục thế nào. Tháng ngày thấm thoắt, trên dưới tám trăm năm sau anh linh hiển ứng, bà ứng mộng, báo cho dân làng biết, vào đêm Rằm tháng Giêng, dân làng phải đem chiếc hộp kia ra hóa tại bờ sông. Dân làng y lời. Chiếc hộp liền được hóa, rồi được đổ xuống sông. Nhưng phó bản ấy vốn dĩ được viết trên một chất liệu đặc biệt, nên hộp cháy mà sách vẫn nguyên. Theo dòng, sách trôi về phía Thăng Long. Nhân một sớm, một gia đình họ Ngô ở Bãi giữa sông Hồng đã tình cờ nhặt được sách ấy. Đây là một khâu rất quan trọng của quá trình truyền lưu của Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, rồi sao ạ?
[còn nữa]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét