Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Tiều lộ ngữ lục - Chuyên san (II)

[Tiếp theo kì trước]
Lại nói, phó bản của bộ Quỳ hoa bảo điển theo nước sông Hồng trôi về phía Thăng Long. Nhân sớm nọ, một gia đình họ Ngô ở Bãi giữa sông Hồng đã tình cờ nhặt được sách ấy. Đây được coi là một khâu rất quan trọng của quá trình truyền lưu của Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, rồi sau đó thế nào?
Tiếp một vại bia, nhâm nhi miếng Mộc tồn, tiên sinh Tiều Lộ chậm rãi nói:
- Về việc họ Ngô có được bộ sách, có tài liệu lại ghi là: Sách ấy theo dòng nước trôi đến khu vực Bãi giữa sông Hồng (tức sông Cái, hay Nhĩ Hà), có người đánh cá nọ đánh lưới cá vô tình vớt được, nhưng ngặt là không biết chữ, mà ở Bãi giữa chỉ có họ Ngô có cậu con trai đi học hành nên ông ta mang về cho cậu.
Các tư liệu ghi đoạn này tuy có khác, nhưng đều thống nhất ở chỗ rốt cục Quỳ hoa bảo điển về nhà họ Ngô.
Nói về nhà họ Ngô, con cái cũng đông, cảnh nhà thanh bần, nhưng ưa làm điều thiện, rất tâm đắc với câu: Tích thiện dư khương (Tích thiện thừa phúc). Theo một số sách có ghi thì 4 chữ ấy được khắc trên hoành phi treo ở nhà họ Ngô, được thể hiện rất sắc sảo bằng lối chữ cương kiện của bậc thư gia cao khiết Nhan Lỗ công. Nhà họ Ngô có cậu con trai tên là Tuấn bấy giờ tuổi mới mười nhăm mà cái khí khái chọc trời khuấy nước đã lộ rõ, sách cổ miêu tả là: Lúc nhỏ có kì tướng, lớn lên càng phi phàm. Thể thái đường đường xuất chúng, phong tư nghiêm nghị hơn người. Đến năm đôi tám (16) anh hoa phát tiết, nổi tiếng vượt khỏi Bãi giữa về tài năng văn chương và khả năng cường kí, có điều người ta không mấy ai biết rằng cậu có thiên tư võ học. Lại nhân trước đó mấy năm, nhân ăn một con bích huyết lí ngư nên có được một căn bản nội lực tiềm tàng. Có được sách này, thoạt đọc cậu ta đã nhận ra đó là kì thư của thời cổ nên khi ăn khi ngủ đều ra sức nghiền ngẫm. Lạ thay tuy đã nắm rõ bí phổ, thông rành từng câu chữ, chiêu thức, khẩu quyết nhưng sau nhiều năm dụng công luyện tập, cậu vẫn chỉ phô diễn được cái vỏ của chiêu thức mà không sao phát huy được cái uy lực kinh hồn như sách đã mô tả. Sau, cậu theo học một số danh sư võ học ở Thăng Long, võ công thăng tiến rất nhanh nhưng cuốn bí phổ nọ luôn ám ảnh trong tâm tư cậu, vì thế hễ có dịp là cậu lại mang ra nghiền ngẫm, nhưng kết quả thì vẫn chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.
Thố ô quá vãng, ngày tháng đẩy đưa, thoắt đấy mà đã hơn chục năm kể từ khi chàng Ngô có được bí phổ. Lúc này chàng đã là một võ tướng, từng xông pha nhiều trận, rõ là: Thêm vẻ vang nhờ quân kị mạnh, lại hào hùng bởi sĩ tốt hăng. Tung hoành oai hổ, vun vút cánh bằng. Do lập được huân công, chàng được nhà vua rất sủng ái, ban cho quốc tính, giữ lại làm quan Hoàng môn trong nội thị, chàng nhân đấy đổi tên thành Thường Kiệt.
Khải Mông tỏ vẻ sốt ruột hỏi dồn:
- Thưa thầy, thế bí kíp võ công thì sao? Ông Lí lập được huân nghiệp có nhờ gì vào nó đâu?
Tiên sinh lại chậm rãi:
- Sau khi đã có công danh rồi, ông Lí vẫn không tranh thủ thời gian trong muôn vàn việc bận để nghiền ngẫm bí phổ. Quả nhiên hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân, sau độ xuống nhà tằm, võ công ông Lí quả nhiên có sự tăng tiến đến mức chính ông cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Khải Mông lấy làm lạ hỏi:
- Thưa thầy, thày có nhắc đến nhà tằm, có lẽ đó là một cái nhà đặc biệt nào đó để luyện công chăng?
Thầy cười, rung rung chòm râu làm mấy bọt bia đang bám trên râu theo râu nhỏ xuống.
Đáp rằng:
- Trò thật là khờ thay! Những người vào làm quan nơi cửa màu vàng (tức Dia-lâu gết – Hoàng môn) đều phải tịnh thân (thiến). Kẻ bị phạm tội mà thiến thì gọi là cung hình. Xưa, sau khi làm xong cái vụ tiểu phẫu đó, người ra đưa người bị thiến xuống khu nhà kín, gọi là nhà tằm, để cho kín gió đặng chờ bình phục.
Khải Mông hỏi:
- Thưa thầy, tại sao sau khi đã tịnh thân thì ông Lí mới thành tựu được công phu bí kíp?
Đáp:
- Điều này thì thọat tiên ông Lí tất nhiên cũng không hiểu đây, sau mới vỡ lẽ rằng sách vốn do nữ nhân sáng tạo nên, do đấy nó lấy nội lực âm nhu làm căn bản để phát huy chiêu thức. Võ công ấy vì thế vốn chỉ phù hợp với nữ nhân thôi. Trước khi tịnh thân, tuy nhờ kì duyên mà ông Lí đã có căn bản nội lực tiềm tàng, nhưng nội lực đó cương mãnh có thừa mà âm nhu không đủ nên rốt cục không sao luyện thành được công phu. Đấy cũng là cái lí do khiến cho sách tuy bị Lục Dận mang về Tầu, những tưởng là báu vật, nhưng cuối cùng khẩu quyết không có, lại toàn nam nhân luyện tập nên thành ra thứ đồ vô dụng mà thôi. Ôi cái tâm cơ của Bà Trưng thật là uyên uyên kì uyên (thăm thẳm vực sâu) vậy! Ông Lí sau khi đã tịnh thân, thể chất thay đổi, cái công lực cương mãnh của ông biến đổi theo, nên mới thành tựu được.
Khải Mông thưa:
- Thưa thày, con đọc sử cũng nhiều, nhưng không nghe nói việc ông Lí dùng đến môn Tịch tà kiếm phổ ạ.
Đáp:
- Khá khen trò cũng là kẻ cường kí vậy, chỉ ngặt nỗi chưa đủ gọi là bác lãm quần thư mà thôi.
Thầy đã nói ở trên, Quỳ hoa bảo điển vốn có ba môn trong đó, gồm Âm dương thần chưởng, Kim châm bí pháp và Tịch tà kiếm phổ. Ông Lí tuy đã tịnh thân, nhưng tính khí thì vẫn nam nhân thôi. Ông cho là anh Kim châm bí pháp, dùng kim vàng, lấy công phu nội lực làm chỗ dựa, vận công búng kim ra, có vẻ giống anh Bắn bi thần công (Đàn chỉ thần công) nhưng nó nữ tính quá, nên không ưa dùng, do đấy sử không ghi là phải. Lại nữa, trước đây ông vốn chuyên dùng đao, nên khi đã luyện Tịch tà kiếm phổ đến mức đại thành rồi, ông lại chế hóa chiêu thức của nó cho phù hợp với đao pháp nên ít ai biết đao pháp của ông thực chính là Tịch tà kiếm phổ vậy. Riêng môn Âm dương thần chưởng thì ông tỏ ra tâm đắc hơn cả, nên với môn này ông Lí có sự dụng công đặc biệt.
Khải Môn lại hỏi tiếp:
- Thưa thầy, phải chăng là cụ cũng có chỉ dạy cho bộ hạ, và chị Quỳ hoa bảo điển này có đóng góp nào đó trong việc đánh bại quân Tống khi chúng kéo sang ta chăng?
Tiều Lộ tiên sinh vỗ đùi khen:
- Khá, trò thực là khá rộng suy vậy.
Bọn người Quách Quỳ, Triệu Tiết sau vụ Ung, Liêm được phái sang chinh phạt nước ta. Rút kinh nghiệm thừ thất bại từ hai châu kia, vả bấy giờ nhà Tống đang khao khát một chiến công lớn đặng dùng cái oai viễn chinh ấy vào nhiều việc nên đặc sai phải tuyển lựa tuyền quân tinh nhuệ đi viễn chinh lần này. May cho ta, mà thảm cho chúng, rằng đời bấy giờ có cụ Lí, thì họ Quách họ Triệu có làm nên cơm cháo gì đâu.
Trận chiến đáng nhớ đã diễn ra ác liệt ở chiến tuyến sông Như Nguyệt. Đếm trước khi diễn ra trận đánh quyết định, quân địch nghe thấy từ đền thờ thần Trương Hống, Trương Hát vang lên lời thơ Nôm thế nầy:

Vua ta ở tại nước ta
Sách trời ghi chép rất là chi li
Hỡi đồ nghịch lỗ ngu si
Tin không, tao đánh, bay thì te tua.

Bấy giờ quân nhà Tống chỉ cảm nhận được giọng ngâm rất đặc biệt mà không hiểu mổ tê răng rứa. Chúng túm dăm tụm ba bàn tán huyên thuyên cả. Quách Quỳ, Triệu Tiết thấy quân binh hoang mang, bẩu thần hiển linh báo điềm gì đó mà nhất thì chưa hiểu, bèn gọi bọn có tài năng trùng địch đến hỏi, chúng thuật lại chuyện xẩy ra và dịch bài thơ thành Hán văn như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cái tài của đám thông ngôn ấy ở chỗ khi chuyển thể, chúng chuyển được hai chữ Nghịch lỗ vốn thuần Nôm mà lại thành ra là thuần Hán vậy.
- Quách Quỳ hiểu chuyện liền trấn an tinh thần binh lính và chuẩn bị mọi việc cho cuộc chiến quyết định sớm hôm sau như hai bên đã thách nhau. Sáng hôm sau, Quách Quỳ bày sẵn trận Bá quái của Khổng Minh khi xưa, phân làm 8 cửa là: Hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai… lại dùng các vật khác hỗ trợ lập trận, trong trận khói sương tỏa ra rợn ngợp. Quách Quỳ lên đài cao nhìn sang trận Đại Việt, thấy dẫn đầu là một tướng khá trẻ, đầu đội mũ chỏm kim cương, mặc nhuyễn ti giáp cộc tay, cưỡi ngựa ô truy, tay cầm trường đao. Tuy thấy tướng ấy có vẻ kiêu dũng, nhưng xem trận pháp thì chỉ là một trận Trường xà đơn giản, Quỳ khấp khởi mừng thầm, phát hiệu thách đối phương phá trận. Liền thấy tướng Việt hô quân: “Tiến liên ….ên!”. Tiếng hô hệt giọng ngâm thơ đêm trước, quân binh của Quỳ nghe thấy đã chột dạ, cho là thần linh hiển linh đã phù trợ tướng Việt. Riêng Quỳ thấy tướng ấy nhằm thẳng cửa Tử tiến vào, rồi đánh chếch về phía cửa Thương, sau lòng vòng đánh về cửa Đỗ… lại càng mừng và tỏ ý coi thường. Nhân một thoáng không chú ý, đã thấy quân mình xao xác, trận pháp rối loạn, tướng Việt đã phóng đến gần đài chỉ huy. Nguyên Lí Thường Kiệt vốn Lục thao kiêm bị, Tam lược gồm thâu, binh pháp trăm nhà không nhà nào không truy cứu đến chỗ áo chỉ thì với trình độ lập trận của bọn Quỳ bọn Tiết có thấm vào đâu, nhưng thọat tiên vờ tỏ ra ngu ngơ về trận pháp để cho tướng địch sinh kiêu, rồi bất thần hô quân vũ lộng thần uy đánh thốc ra cửa Sinh, kẻ phóng kim vàng, người lia kiếm thép, phá tan trận địch trong nháy mắt, tiến đến chỗ Quỳ, toan thuật “cầm vương”. Thấy chí nguy, Quỳ liền tức tốc phi thân xuống đài, nhảy lên con Bạch thố (vốn cũng là loại tuấn mã, chút chít nhiều đời của con Xích thố khi xưa) phóng chạy, bị Lí Thường Kiệt ám theo công phu Kim châm bí pháp, búng theo hai bi, cốc chén tan tành, tuy sau có phạm phải tội bất hiếu nhưng may không đến nỗi mạng vong.
[còn nữa...]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét