Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Lâu quá không ghé qua đây. Bà con nào muốn thăm ngu mỗ, xin ghé qua batrieudicay bên 360blus.
Híc...

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (V and VI)

V. [Tiếp theo kì trước]
Trầm ngâm hội hồi, Khải Mông thưa:
- Thưa thầy, sách Quỳ hoa bảo điển đã đành lưu lạc sang Tầu từ hồi Lục Dận, ở Tầu không ai luyện được, vì rằng khẩu quyết không có. Thế thì sao sau này anh Đông Phương Tất Thắng (tự Bất Bại) luyện được môn Kim châm bí pháp và Nhạc Truồng (tự Bất Quần) lại luyện được môn Tịch tà kiếm phổ ạ?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Việc này kể ra cũng khá dài dòng đấy.
- Nguyên là sau khi cụ Lí đã nghiên cứu, nâng cấp, bổ sung các môn công phu trong Quỳ hoa bao điển xong, cụ cẩn thận chép mỗi môn thành một sách riêng, lưu trong Tàng thư lâu của mình. Riêng phần Lời tựa và khẩu quyết thì cụ chép riêng, lưu ở chỗ khác cùng một số tác phẩm thuộc thể thơ ca, tựa bạt, v,v… Sau khi cụ qua đời, các sách đó vẫn còn cả. Nhưng rủi thay mười năm sau khi cụ mất, có tay hoạn quan đọc sách trong đó, vô ý trong việc dùng nến, khiến cho thư lâu của cụ bị hỏa hoạn, cách sách đều cháy thành tro tàn. Ôi, đau đớn thay, với nền võ học của ta mà nói, đây là một sự tổn thất không gì có thể bù đắp được.
Nói đến đây, Tiên sinh Tiều Lộ như lặng đi một hồi lâu.
Như hiểu nỗi niềm của thày, một lúc sau Khải Mông mới dám cất lời:
- Thưa thày, từ những việc thầy đã kể, có thể thấy từ xa xưa nước ta đã có một nền võ học cực phát triển vậy. Tiếc thay tài liệu sách vở không lưu lại được mấy, tiếc lắm thay!
Tiên sinh:
Uh!
Lại hỏi:
- Thưa thầy việc sau đó thế nào ạ?
Đáp:
- Sau vụ hỏa hoạn, nhà vua bèn xuống chiếu cho các hoạn quan năng văn trong nội điện sưu tập các tác phẩm của cụ Lí, tập hợp thành Lí công di cảo. Bài tựa Quỳ hoa bảo điển tất nhiên có mặt trong bộ di cảo này.
Lại sau đó 8 năm, bấy giờ tình hình quan hệ giữa ta và nhà Tống khá là bình ổn, nhân nhà triều đình nhà Tống có tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về Công tác tuyển chọn và huấn luyện hoạn quan và tầm quan trọng của nó trong việc xử lí sự vụ ở nội cung, họ gửi thư mời Đại Việt cử người viết báo cáo tham dự. Thấy nhà Tống cũng đầy thiện ý, vả cuộc hội thảo này có nhiều nước tham dự, rất bổ ích cho các hoạn quan nước nhà, nhà Lí lập tức cử phái đoàn gồm 10 hoạn quan tham gia. Cầm đầu phái đoàn hoạn quan của Đại Việt bấy giờ là Lí Dị Vong. Lí Dị Vong vốn là cháu của cụ Lí vậy.
Khải Mông thưa:
- Thưa thầy, cụ Lí đã tịnh thân, sao có cháu được ạ?
Đáp:
- Đơn giản vì trước khi tịnh thân thì cụ đã có gia đình và có con rồi. Người ta có thủ rồi thì xả rất dễ vậy.
Lại hỏi:
- Sao cái tên nghe kì kì vậy ạ?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
Lí Dị Vong thứ nhất là cháu danh thần, được tập ấm. Thứ hai, người này có lẽ ít nhiều thừa hưởng được cái gien thông minh xuất chúng của ông ngoại nên đầu óc sáng láng, không những ứng biến linh họat mà xuất khẩu thành chương, đi tám bước có thể làm xong một bài thất ngôn bát cú; riêng vì có tính hay đãng trí bác học nên thọat đầu tên là Thông Bác, sau tự cải là Dị Vong, nghĩa là dễ quên, hay quên vậy.
Trong chuyến đi này, dị vong mang theo di cảo của ông mình sang Tầu, đặng khoe với người Tầu rằng cụ tổ mình là quan hoạn nhưng văn vũ kiêm bị, là bậc anh tài quán thế; đồng thời cũng có ý nhắc khéo chuyện xưa cho thằng Tầu phải nể sợ.
Khi sang nhà Tống, báo cáo của đoàn Đại Việt được đánh giá rất cao. Chính vì thế không ít hoạn quan nhà Tống xin được tiếp xúc với phái đoàn Đại Việt đặng trao đổi kinh nghiệm. Trong số các hoạn quan Tầu gần gũi nhất với phái đoàn Đại Việc có một người họ Lâm, chính là cụ kị của nhà Lâm Bình Chi sau này.
Nhân đọc di cảo của cụ Lí, họ Lâm mừng như bắt được Ru bi khi thấy lời tựa và khẩu quyết của Quỳ hoa bảo điển. Trước khi trả sách, ông ta liền rút ruột ngay phần đó, dấu nhẹm đi. Đến khi Dị Vong về nước, xem lại sách mới thấy sách bị xé mất mấy tờ, ân hận mãi nhưng không biết làm sao được nữa, chỉ biết quay về phương Bắc chửi đổng mấy câu mà thôi.
Khải Mông:
- Thưa thày, ông Dị Vong rõ là bất cẩn quá phải không ạ?
Đáp:
- Vừa đúng lại vừa không.
Là vì ông ta biết rằng vốn chính văn Quỳ hoa bảo điển đã cháy mất nên dẫu có cái lời tựa và khẩu quyết này thì cũng không giải quyết được gì, mà quên đi rằng sách ấy trước đã lưu lạc bên Tầu rồi. Vả lại thì việc sách sang Tầu đã quá xa, nên lâu ngày thì việc quên cũng là dể hiểu thôi.
Khải Mông:
- Tiếp đó thì sao ạ?
Tiên sinh kể tiếp:
- Từ hồi Lục Dật mang Quỳ hoa bảo điển về Tầu, người Tầu đua nhau học, sau thấy sách mô tả chiêu thức thì diệu kì mà luyện mãi không thành, họ đồ rằng chỉ là nói nhăng, kì thực con người ta không thể đạt đến trịnh độ võ học như thế. Lâu dần, càng ngày càng ít người quan tâm đến Quỳ hoa bảo điển, khiến sách dần cũng mất mát, đến thời Tống thì chỉ còn phần Kim châm bí pháp và Tịch tà kiếm phổ mà thôi.
Lại nói về hoạn quan họ Lâm kia, lúc đầu là hoạn quan, sau lại tu Thiền, vốn có lần cứu mạng một tay thợ thêu ở Khai phong. Tay này vô tình có được bản Quỳ hoa bảo điển còn hai môn công phu như đã nói. Y có luyện, tất nhiên là không thành tựu gì. Sau, y đồ mình thiên tư võ học không phải là tuyệt cao mà luyện liền hai môn, e ôm đồm quá, nên chỉ luyện môn Kim châm bí pháp, vốn thấy hợp với nghề thuê thùa của mình mà thôi, còn môn Tịch tà kiếm phổ thì tặng cho hoạn quan họ Lâm vì ông ta có ơn với mình, lại chuyên dùng kiếm. Hoạn quan họ Lâm vốn kiếm nghệ rất cao, được công phu này thì rất thích, nhưng nhận thấy là không có khẩu quyết, nên dục tốc bất đạt. Thế là ông ta liền nhờ người thợ thuê kia thêu luôn Tịch tà kiếm phổ vào chiếc áo cà sa của mình để lúc nào cần có thể bỏ ra nghiền ngẫm thêm. Đến khi có được phần lời tựa của cuốn sách, ông ta mừng đến phát điên, lập tức chiếu theo khẩu quyết mà luyện, do ông ta là hoạn quan, lại có khẩu quyết nên chẳng mấy chốc đã luyện thành được Tịch tà kiếm phổ. Vì cảm ơn cho bí kíp của người bạn thợ thêu, ông ta liền đem phần lời tựa ấy đến cho người thợ thuê chép lại.
Hỏi:
- Rồi sao ạ?
Đáp:
- Tay thợ thuê đó tuy có khẩu quyết rồi, nhưng tư chất không đủ cao, nên luyện vẫn không thành. Mãi nhiều đời sau, cháu chắt hắn mới thành công, xưng hùng xưng bá một thời vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, phải chăng đó chính là Đông Phương Tất Thắng.
Đáp:
- Chính y. Tiếc rằng sau khi y chết thì môn Kim chân bí pháp cũng thất truyền.
Khải Mông:
- Thưa thầy, còn họ Lâm thì thế nào?
Đáp:
- Trong lần đến chỗ người bạn thợ thuê để chia sẻ phần lời tựa và khẩu quyết, họ Lâm nhờ tay thợ thuê thêu luôn phần ấy vào áo cà sa, nhưng ngặt là trước đã thêu chính văn, không còn chỗ trống nữa đành thôi. Thế là nguyên văn một văn bản, lời tựa và khẩu quyết thì lại một văn bản khác. Để phòng có sự mất mát, ông ta liền khâu luôn mấy trang lời tựa và khẩu quyết vào trong tay áo, rồi cất kĩ chiếc áo, coi đó là báu vật gia truyền. Họ Lâm vì Tịch tà kiếm phổ mà tiếng tăm lẫy lừng quốc nội. Người võ lâm ai cũng thèm thuồng môn bí kíp ấy, nhưng vừa thèm thuồng vừa kinh hãi, không kẻ nào dám ra tay cướp đọat. Sau, ông mất đột ngột, không kịp trăn trối lại một cách tỉ mỉ, chỉ kịp nói rằng chiếc áo cà sa có chép bí kíp võ học, con cháu phải bảo quản thật chu tuyền mà thôi.
Dần truyền đến đời cha mẹ Lâm Bình Chi, do đinh ninh vật tổ truyền nhà mình chỉ có là văn bản trên áo cà sa thôi, nên cố công luyện tập, rốt cục cũng chỉ đạt được cái vỏ của chiêu thức. Võ lâm bấy giờ nhận thấy con cháu nhà họ Lâm không có kẻ nào học được bí pháp tổ truyền, nên hò nhau ra tay cướp đọat. Vụ việc này về thể Kim Dung có tư liệu nên đã nói khá tường tận trong Tiếu ngạo giang hồ.
[Còn nữa…]

VI. [Tiếp theo kì trước]
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, cha mẹ của Lâm Bình Chi không biết bí mật của chiếc áo, sau sau này, khi Nhạc Truồng chiếm được áo ấy thì y lại luyện được Tịch tà kiếm phổ?
Tiên sinh Tiều Lộ đáp:
- Con đọc sách, không thấy Nhạc Truồng là tay cơ mưu thâm trầm ư? Sau khi được chiếc áo rồi, thọat tiên y cũng có luyện theo bí kíp, nhưng không thành. Y đã suy ngẫm rất nhiều, cuối cùng phát hiện được phần Lời tựa và khẩu quyết. Thế là y lập tức khổ luyện, quả nhiên thành công.
Sau khi đã luyện xong, y liền tẩu tán cái áo và khẩu quyết, vô tình Lâm Bình Chi nhặt được, án theo khẩu quyết, cũng luyện thành công.
Khải Mông tỏ ý băn khoăn:
- Thưa thầy, con có điều không hiểu ạ.
Hỏi:
- Điều gì vậy?
Đáp:
- Như thày nói thì Quỳ hoa bảo điển là võ công tối thượng, sao anh Đông Phương Tất Thắng, Nhạc Truồng và Lâm Bình Chi đều luyện thành mà cuối cùng đều không phải là vô địch? Như nói về Nhạc Truồng, tuy luyện được Tịch tà kiếm phổ mà cuối cùng vẫn không thắng nổi chàng Lệnh Hồ đó thôi. Xem thế thì Quỳ hoa bảo điển không thắng được võ công Hoa Hạ.
Tiều Lộ tiên sinh cả cười đáp:
- Con nhầm rồi, võ công Hoa Hạ sao sánh được với Quỳ hoa bảo điển của nước Nam ta. Sở dĩ có hiện tượng như trên là vì Quỳ hoa bảo điển đến tay họ đều là bản tàn khuyết, thiếu mất phần Âm Dương thần chưởng, là công phu nền tảng để phát huy các bí kíp kia đến mức tối thượng. Do đó cái mà họ luyện được chưa phải tầm chót của các công phu đó vậy. Môn công phu Đàn chỉ thần công của đảo Đào hoa cũng tương tự như vậy thôi.
Khải Mông:
- Trước thầy có nói rằng Nhạc Truồng chết vốn không liên quan đến Lệnh Hồ công tử, việc ấy rốt cục thế nào:
Đáp:
- Sau khi bị Lệnh Hồ Xung đánh bại, Nhạc Bất Quần ngờ là mình luyện tập bí kíp có chỗ chưa đúng nên tìm lại bí kíp đặng nghiên cứu thêm. Nhưng bí kíp bấy giờ Lâm Bình Chi đã lấy mất, y phải dụng không khá nhiều cuối cùng mới tìm lại được. Sau khi tìm được bí kíp, Nhạc Truồng mở ra nghiền ngẫm, phát hiện quả nhiên mình luyện không thấu đáo.
Khải Mông:
- Sao có thể có chuyện đó được ạ?
Đáp: Nguyên vì lúc trước sau nhiều năm toan tính mưa đọat bí kíp để luyện thành võ công tối thượng xưng bá thiên hạ, đến khi bí kíp có trong tay rồi, Nhạc Truồng vội mở đọc ngay, thấy lời tựa ghi:
“Quỳ hoa bảo điển tự: Quỳ hoa bảo điển giả, tối thượng chi công phu dã. Thử thư, Trưng Vương sở tác. Thử thư chi bí kíp, nữ nhân sở sáng, nhân thử dĩ âm nhu vi chủ. Nam nhân DỤC THÀNH THỬ CÔNG, DẪN ĐAO TỰ CUNG”.
Nghĩa là: “Lời tựa Quỳ hoa bảo điển: Quỳ hoa bảo điển, là công phu tối thượng vậy. Sách này do Trương Vương viết nên. Công phu trong sách này do phụ nữ sáng tạo nên, do vậy lấy âm nhu làm căn bản. Nam nhân MUỐN THÀNH TỰU CÔNG PHU NÀY, PHẢI VUNG DAO TỰ THIẾN”.
Cái tâm cơ thâm trầm đến lúc này cũng không chế ngự nổi nổi tham vọng bá chủ võ lâm đã hiện ngay trước mắt, Nhạc Truồng vung kiếm: xo.. oẹt! Rồi tức tốc điểm huyệt cầm máu, đọc ngay sang phần khẩu quyết, sau đó án sang chính văn, bắt đầu luyện ngay.
Đến lúc này, cẩn thận đọc lại, Nhạc Truồng phát hiện ra phần lời tựa còn thêm hai trang sau vốn vì nóng lòng nên lão đã bỏ qua. Lúc này đọc lại thật kĩ, hóa ra đó là phần cụ Lí nói về tầm quan trọng của môn Âm dương thần chưởng trong việc thúc đẩy Tịch tà kiếm phổ đến mức đại thành như thế nào, phân tích sự hỗn nhập âm dương trong con người thế nào. Đọc xong hai trang, Nhạc Truồng nhận thấy rằng tuy lời tựa cho lão rõ về tầm quan trọng của môn Âm dương thần chưởng, nhưng công phu ấy đã mất nên dẫu lão có luyện tập mãi thì Tịch tà kiếm phổ của lão cũng không thể xưng hùng thiên hạ được. Thế mà lao vì môn công phu ấy mà hủy hoại thân danh, nhà tan cửa nát, cuối cùng công cốc, thực là đáng hận thay. Lại đọc cố đến câu cuối bài tựa, thấy cụ Lí ghi:
“Dĩ thượng kí thuyết Âm dương thần chưởng dữ Tịch tà kiếm phổ chi quan hệ tịnh ngã thân âm dương tương tế chi thuyết. Nhược thông thử lí, nhược thành Âm dương thần chưởng chi công phu, khả dĩ thuyết: NHƯỢC BẤT TỰ CUNG, DIỆC THÀNH THỬ CÔNG”.
Nghĩa là: “Ở trên đã nói về mối quan hệ của Âm dương thần chưởng là Tịch tà kiếm phổ cùng thuyết về sự kết hợp tương hỗ giữa âm và dương trong chính thân ta. Ví phỏng hiểu được lẽ đó, ví phỏng thành tựu được công phu Âm dương thần chưởng, thì có thể nói rằng: NẾU KHÔNG TỰ THIẾN, CŨNG THÀNH TỰU ĐƯỢC CÔNG PHU TỊCH TÀ KIẾM PHỔ NÀY”.
Đọc đến đây, Nhạc Truồng hộc lên một tiếng, vận công bóp bí kíp tan thành bụi, miệng thổ máu tươi chết ngay tức thì.
Khải Mông:
- Thưa thày, chắc anh Lâm Bình Chi cũng không có đọc phần Lời tựa này?
Đáp:
- Y có đọc cả, nhưng vì mối thù hận quá lớn, vả viết rằng họ Nhạc cũng chỉ có thể đạt đến mức độ nhất định, nên cũng rút kiếm thiến luôn… tiếc rằng sau cũng chỉ đến thế mà thôi.
Ôi, võ công thể tráng thân, vệ quốc, bảo vệ chính nghĩa thì mới có thể đạt đến mức thông thần. Như những kẻ kia, người tối mắt vì tham vọng, kẻ cuồng nộ vì hận thù, nên không có được kết quả tốt đẹp cuối cùng, thật đáng giận mà cũng đáng để thương hại vậy!
Khải Mông:
- Dạ!

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (IV)

[Tiếp theo kì trước]
Khải Mông thưa:
- Lời thày nói con đây đã tỏ rồi ạ! Nhưng thưa thầy, ở trên thày có nói đến môn Bắn bi thần công, và tay Quách Quỳ cũng bị đưa vào tội bất hiếu vì môn công phu này, phải chăng đó chính là môn công phu Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Cái đó cố nhiên rồi, cũng hệt như môn Tịch tà kiếm phổ đã được cụ Lí phổ vào đao pháp vậy. Nói chung, người Việt ta khi nghiên cứu cái gì thường tiếp thu có sáng tạo chứ không dập khuôn y nguyên vẹn, có như thế thì cái cũ mới được nâng cao lên, như nay ta hay nói là “Nâng lên một tầm cao mới” đó vậy.
Khải Mông thưa:
- Thưa thày con thấy bên Tầu có công phu Đàn chỉ thần công. Vậy anh Đàn chỉ thần công có liên hệ gì với môn Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển mà cụ Lí đã nghiên cứu không?
Tiên sinh Tiều Lộ mỉm cười khen:
- Câu hỏi rõ là hay thay!
Nguyên về việc này, nó ra thật cũng dài dòng lắm. Đại thể thế này: Cụ Lí khi nghiên cứu môn công phu Kim châm bí pháp, thấy nó nữ tính quá nên cụ nghiên cứu rất kĩ về nguyên lí triển khai chiêu thức và cách phát huy của nó. Sau khi nghiên cứu thành công, cụ rút anh Kim châm bí pháp ra thành một sách riêng, đặt tên Nôm là Bắn bi thần công (tập hạ). Sau, sách này truyền sang Tầu, cuối Tống có anh Hoàng Dược Sư tìm được tập hạ, dụng tâm nghiên cứu nhiều năm mới thành, đổi tên thành Hán văn là môn Đàn chỉ thần công. Do chỉ có tập hạ nên anh Đàn chỉ thần công xét về uy lực chỉ bằng non nửa công phu Bắn bi thần công của cụ Lí thôi. Sau đấy anh Dược Sư truyền cho anh Dương Quá. Dương Quá do hồi bé có học phái Cổ mộ, phái cổ Mộ công phu thiên về âm như, Dương Quá nhờ đó mà phát huy anh Đàn chỉ thần công lên tầm cao hơn, nhưng tất nhiên không thể so với môn Bắn bi thần công được.
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, môn Bắn bi thần công vốn gốc ở môn Kim châm bí pháp của Quỳ hoa bảo điển, Hoàng Dược Sư là nam nhân, sao lại luyện thành được ạ?
Tiên sinh đáp:
- Là vì nó đã qua tay cụ Lí chỉnh lí và cải biến rồi, không còn như nguyên gốc nữa.
Khải Mông:
- Thưa thầy, môn ấy theo đường nào mà lại truyền sang Tầu ạ?
Đáp:
Môn công phu này chính là công phu mà cụ Lí đã truyền thụ cho phần lớn quân binh tham gia trận đánh Tống hồi trước. Do môn này nhiều người biết nên cánh người Tống cũng nắm được, và truyền nhập vô Tầu từ hồi Tống là vì vậy. Riêng mấy môn còn lại thì bấy giờ cụ Lí chỉ truyền cho cánh Hoạn quan dưới quyền cụ thôi.
Lại hỏi:
- Vậy sau cụ Lí thì tình hình Quỳ hoa bảo điển thế nào ạ?
Tiều Lộ tiên sinh nói:
- Bia lắm nhắm nhiều, vội nói chuyện ấy thì bỏ bia chôn nhắm sao?
Khải Mông:
- Dạ.
Uống thêm vại bia, Tiên sinh chậm rãi hỏi:
- Con có biết rằng Quỳ hoa bảo điển đến cụ Lí thầy lại nói là một khâu quan trọng trong sự lưu truyền của nó không?
Thưa:
- Xin thầy khai mở sự ngu muội cho con ạ!
Tiên sinh Tiều Lộ mắt nhìn xa xăm theo áng mây chiều đang trôi dần về cuối trời, sau lát trầm ngâm lại chậm rãi nói:
- Cụ Lí khi có được Quỳ hoa bảo điển, cụ đã tốn nhiều tâm cơ về nó lắm.
Trước hết là cụ cải biến môn anh Kim châm bí pháp thành Bắn bi thần công và trích Bắn bi thần công thành sách riêng.
Với anh Tịch tà kiếm phổ thi cụ có nghiên cứu riêng, chuộng ý mà không chuộng mình, như lối Ý lâm trong thư pháp vậy. Đồng thời với việc đó, cụ cũng có nâng cấp và cải biến nhiều, trích thủ những chiêu thức thiết dụng nhất đẻ truyền dạy cho quan binh. Chính vì thế mà quân đội Đại Việt xưa nổi tiếng là thiện chiến, nhưng không thấy sử sách ta ghi gì về anh Tịch tà kiếm phổ nữa.
Riêng anh Âm dương thần chưởng mới là môn cụ dụng công nhiều nhất, vì đạt đến tột đỉnh của các công phu trong Quỳ hoa bảo điển hay không chính nhờ môn này. Môn này lấy căn bản về nội lực để phát chưởng. Trong phạm vi hẹp, nó môn riêng, chuyên về chưởng pháp; trong tổng thể của Quỳ hoa bào điển, nó chính là cái gốc để phát huy cái diệu dụng của các môn kia, có thể coi anh Âm dương thần chưởng là cái Duyên khởi của các công phu khác trong Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, phải chăng duyên khởi cho những vụ việc phức tạp sau này, chẳng hạn việc xảy ra như nói trong Tiếu ngạo giang hồ cũng chính từ anh Âm dương thần chưởng này ạ?
Tiên sinh Tiều lộ đáp:
- Chính vậy.
Cụ Lí tuổi càng cao thì võ nghệ càng uyên áo. Sau khi giặc ngoài đã bị dẹp, tình hình trong nước ổn định thì cụ cũng không phải bận tâm nhiều về chuyện quân cơ và trị lí nữa nên có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu Âm dương thần chưởng. Sau nhiều năm nghiên cứu, có một câu hỏi mà cụ Lí cứ luôn canh cánh bên lòng.
Khải mông nóng ruột hỏi:
- Thưa thày đó là vấn đề gì ạ?
Đáp:
- Chính ở tên gọi môn công phu đó.
Khải Mông ra chiều đăm chiêu:
- Thưa thầy, con không hiểu, thầy có thể vì con mà chỉ dạy không ạ?
Tiên sinh cười hiền hậu đáp:
- Con thử nghĩ, sao lại là Âm dương thần chưởng mà không phải thuần âm, hay thuần dương, chẳng hạn như: Cửu dương thần công, Cửu âm bạch cốt trảo? Môn Âm dương thần chưởng vốn chia làm 2, hai kết hợp thành một, một và hai thành ba, ba hợp lại thành một, tức là Âm dương thần chưởng.
Khải Mông:
- Con thấy hơi rối ạ!
Đáp:
- Rất đơn giản thôi:
Âm dương thần chưởng vốn chia thành hai, gồm âm chưởng và dương chưởng. Âm và dương chưởng kết hợp lại thành một chưởng thống nhất bao gồm cả âm và dương gọi là Âm dương hợp chưởng ấy lại là một vậy. Tách âm ra âm, dương ra dương, và âm dương kết hợp mà nói thì thành ba. Ba cái đó đều thuộc môn Âm dương thần chưởng nên lại gọi chung thành một.
Hỏi:
- Con vẫn không hiểu cái gọi là Duyên khởi như thầy đã nói ạ!
Đáp:
- Việc là thế này. Cụ Lí sau khi đã xuống nhà Tằm, sự luyện công tốc thành, cụ mới nhận ra là sách Quỳ hoa bảo điển vốn do nữ sáng chế nên nó có tính âm nhu. Nhưng đến khi cụ đã truy cứu đến cùng cực công phu âm dương thần chưởng thì lại nhận thấy rằng nhận định trước đó có cái cần điều chỉnh. Là vì sao vậy?
Vì anh Âm dương thần chưởng vốn đâu có thuần âm nhu, nó là âm dương tương tế. Như cụ luyện thành thì không nói làm gì, nhưng khi xưa, bà Trưng tất nhiên tinh rành vì bà vốn sáng chế ra nó, bà Triệu sau đó cũng thành tựu. Vậy thì nó đâu có liên quan đến nam hay nữ, hay như cụ. Rất lâu sau cụ mới kiến giải được vấn đề nan giải đó.
Hỏi:
- Xin thầy nói tiếp đi ạ!
Thày lại uống thêm cốc bia rồi vuốt râu, tiếp tục giảng cho trò:
- Cụ Lí cho là sở dĩ nữ nhân, hay như cụ có thể luyện thành được môn Âm dương thần chưởng chính vì vật trong vũ trụ vốn không có cái gì thuần dương, hay thuần âm. Như trong thái dương thì có thiếu âm, trong thái âm có thiếu dương; âm dương lại thống nhất trong thái cực. Như vậy thì người ta, dẫu nam hay nữ đều có hai mặt âm dương. Đấy là cái nguyên lí triết học rất sâu mà Bà Triệu đã thẩm thấu đến mức tinh vi. Cho nên Âm dương thần chưởng là môn công phu phát khởi được cả hai yếu tố Âm và dương, lúc thì phân chia, lúc thì kết hợp, lấy đó dẫn khởi cho công phu tuyệt học thì cái uy lực của chiêu thức mới thật là đến kì mĩ vậy.
Khám phá được điều này, truy xét được nguyên lí, cụ Lí tiến hành chỉnh lí tổng thể bộ Quỳ hoa bảo điển, nâng cấp nó, bổ khuyết cho nó.
Hỏi:
- Thưa thầy, bổ khuyết thế nào ạ?
Đáp:
- Nếu trước đây, Quỳ hoa bảo điển chỉ có nữ, hoặc nam nhân đã tịnh thân mới có thể luyện thành thì lúc này, dưới sự nâng cấp, bổ khuyết của cụ Lí, mọi người đều có thể luyện thành được. Những điều tâm đắc, những sự nâng cấp được cụ cẩn thận ghi lại trong lời tựa sách Quỳ hoa bảo điển.
[….còn nữa….].

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (III)

[Tiếp theo kì trước]
Khải Mông:
- Thưa thầy, sao lại nói là Quách Quỳ “sau có phạm phải tội bất hiếu” ạ?
Thầy cười khoan hòa nói:
- Người Tống vốn nặng nề về quan niệm con cái nối dõi tông đường, cho “vô hậu” là việc đại bất hiếu. Quách Quỳ đã bị cụ Lí hủy mất phương tiện rồi, thì tội ấy y tránh sao được!
Đáp:
- Con đã minh bạch ạ!
Tiên sinh nói tiếp:
- Quân Tống thấy chủ tướng tháo thân thì càng loạn, xéo lên nhau mà chạy, trống mái phút chốc đã phân rõ. Thấy giặc đã tan chạy, Lí Thường Kiệt liền khua chiêng thu quân. Có người hỏi: Ta đang thừa thắng ruổi dài, sao chủ tướng vội thu quân? Cụ Lí cả cười nói: Giặc cùng chớ đuổi, vả ta còn toan chước về sau nữa. Quân binh thưa? Ta không chém chúng, lấy đâu tai giặc về để báo công? Cụ Lí cười ngất, các người không nhìn kĩ chiến trường ư? Thây giặc chất thành gò, dép giặc chất đống, hãy cắt tai, thu dép về đây! Lát sau quân binh về báo, trận này ta toàn thắng, chém ba vạn sinh dục địch, thu 6 vạn đôi dép Tống. Kiểm lại quân ta, thiệt mất 301, không tính số sứt chân, sứt tay, số bị thương có 478 người, thực là cuộc chiến vẹn toàn vô tiền khoáng hậu, dẫu Gia Cát tái sinh vị tất đã hơn được.
Khải Mông vùa tiến bia vừa nói:
- Thưa thầy, phó bản của Quỳ hoa bảo điển về tay cụ Lí, thực là không uổng cái khổ công của cổ nhân vậy. Ngoài Quỳ hoa bảo điển, phải chăng có thần giúp sức?
Đáp: Chí phải. Sau trận ấy, nhà Tống nguội hẳn cái ý đồ xâm chiếm phương Nam. Từ đó âu vàng đặt vững, thế nước thịnh cường. Nói về cụ Lí, sử ghi: “Dẹp khói lăng khắp miền biên tái, dẹp giặc dữ đủ bốn phương trời. Nếu không phải sức thánh thần phò trợ, sao có thể làm được như vậy!”. Ư hi! Bà Triệu chẳng phải là thánh thần đấy ru?
Đời sau có thơ Thủ vĩ ngâm khen cụ Lí rằng:

Thượng tướng hà tu hữu mĩ nhiêm
Thí khan Thái úy tại trận tiền
Lưỡng đạn truy hồn Quỳ ngọc toái
Thượng tướng hà tu hữu mĩ nhiêm.

Dịch thơ:
Thượng tướng cần chi phải có râu
Hãy xem Thái úy trước trận đầu
Đôi đạn truy hồn Quỳ ngọc nát
Thượng tướng cần chi phải có râu

Lại hỏi:
- Thưa thầy, thầy có nói cụ Lí ra trận mặc áo cộc tay, con thấy cứ băn khoăn hoài.
Đáp:
- Phải chăng ý con nói là nó có giảm cái vẻ uy phong của võ tướng?
Đáp:
- Dạ!
Tiều Lộ tiên sinh:
- Cái đó kể cũng có, nhưng kìa như cụ Lí là người đã đạt lí, nên chuộng cái chất và ít chú trọng cái văn lòe loẹt. Chiến tướng ra trận, nhiều anh nai nịt cồng kềnh, tay chân vướng víu, làm mất đi cái linh động khi triển khai chiêu thức võ công, thế thì diện một tí mà có lợi chi đâu. Cho nên kinh điển thánh hiền có nói câu “Ố kì văn chi trứ” đó vậy.
- Lại hỏi:

Thưa thầy, theo thầy nói thì bài thơ ngâm ở đền thần Trương Hống, Trương Hát là Nôm, thế thì giặc nghe sao hiểu được?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con hỏi khá gọi là hay vậy!
Vốn dĩ thì cụ Lí cho đọc bài thơ ấy trước hết cốt để cho quân sĩ ta nghe, đặng làm họ phấn khích tinh thần lên vậy. Cho nên trong bài có nói quân giặc vô cơ sang xâm phạm, không chỉ vậy mà còn toan “nghịch lỗ”. Cái ấy là xâm phạm đến quyền lợi thiết thân của toàn dân và binh sĩ, cái tội táy máy ấy thậm nặng, thật là bất cộng đái thiên vậy.
Nói ở phương diện khác, bọn người Tầu vốn có truyền thống về dịch thuật, như từ thời Thành Vương nhà Chu, người nước ta vào triều Chu chơi, tặng đôi con trĩ để vua Chu ngâm rượu chơi, bấy giờ Chu Công là bậc thánh thông tuệ mà không hiểu người nước ta nói gì, họ phải dùng cách phiên dịch, chuyển ngữ qua nhiều khâu, nghe nói quan gần chục khâu mới hiểu ra vấn đề. Đại để các triều bên Tầu đều có cánh trùng dịch ấy cả. Khi đi chinh chiến nước khác chúng cũng được triều đình phái đi. Cho nên thơ cụ Lí chúng dịch ngay thành thơ Hán. Điều ấy chứng tỏ chuyên môn rất cao. Riêng chữ “nghịch lỗ” thì chúng chuyển nguyên sang Hán văn, thế là tránh được cái ý do ta kết tội chúng. Các nhà làm sử về sau lại sùng chữ Hán, không chép nguyên bài Nôm, khiến cho cái tinh thần của nguyên tác đã bị sai lạc đi đôi chút rồi.
Khải Mông:
- Dạ!
Lại hỏi:
Thầy nói ta thu được đến 6 vạn đôi dép Tống, sao sau đó không nghe sử ghi về số dép này?
Đáp:
- Sử ta nay thiếu khuyết thậm nhiều. Nhưng với việc này, sử gia không nhắc cũng là phải lắm.
Hỏi:
- Thưa thày, con không hiểu ý thày nói ạ!
Tiều Lộ tiên sinh nói tiếp:
- Cách đây không lâu, thành qua du lịch Thái Lan, nhân đấy tiến hành sưu tập tư liệu cổ của nước họ, vô tình đã tìm được một tài liệu quý, vì thế mới hiểu rõ chuyện liên quan đến số dép kia.
Theo sách này, bấy giờ người Thái thương nghiệp khá thịnh đạt, thương nhân Thái đi khắp các nước, nhất là các nước lân cận, không khác gì bọn người Hồi Hột mà nhà Nguyên dùng sau này, chỉ khác là không làm tình báo thu thập tin tức như kiểu tay Y Ôn mà sử ta có nhắc mà thôi.
Cánh thương nhân này nhân qua Thăng Long, thấy đám lính của ta có kẻ đi loại dép lạ, hỏi ra mới biết vốn là chiến lợi phẩm thu được từ quân Tống, lại hay triều đình nhà Lí còn lưu kho 6 vạn đôi. Cánh thương nhân thấy đồ quý, liền mua lại của cánh lính mấy đôi, mang về nước thì bán chạy như tôm tươi, liền tập hợp cánh chuyên gia đếm cua, nhẩm tính về món lợi khổng lồ sẽ có thể thu được, rồi gom vốn mang sang nhờ một viên quan trong triều ướm hỏi triều đình nhà Lí để xin mua lại số dép kia. Bấy giờ nhà Lí làm nhiều việc thổ mộc, tốn kém khá nhiều, lại thấy số dép ấy lưu kho kẻ cũng không ích gì nên chỉ giữ lại số ít, còn lại ưng bán cho chúng với giá rất cao. Cánh thương nhân so với giá mà họ đã bán ra trước đó, thấy vẫn cực hời nên chấp nhận mua tất. Số dép này lập tức được mang ngay về Thái. Dân Thái bấy giờ rất chuộng, ai mua được một đôi thì cả mừng, cho là sành điệu lắm lắm. Nhưng do số lượng có hạn, vả lại đồ dùng lâu ngày cũng phải hỏng nên người Thái phỏng theo hình dáng, sản xuất ra đời f2 của loại dép Tống đó. Mẫu dép ấy nay có thể khảo được, nó chính là loại Tông lì mà nay ta vẫn nhập của Thái đó vậy.
Khải Mông hỏi:
- Thưa thầy, sao thầy lại xác quyết về dép Tống và Tông lì.
Thày cười đáp:
- Khải Mông con quả còn mông muội lắm! Cái đó khó chi đâu. Có hai cứ liệu có thể biết đích xác việc đó!
Thứ nhất: so sánh kiểu dáng của dép Tống khai quật được ở chiến tuyến sông Như Nguyệt với Tông lì ngày nay thấy giống hệt, hoặc giả nếu có khác cũng chỉ có tiểu dị mà thôi.
Thứ hai: Sử Thái ghi:
“Người trong nước gần đây rất chuộng loại dép Tống do cánh thương nhân mua từ nước Lí mang về, nghe nói có đến gần 6 vạn đôi mà chỉ vài ngày thương nhân đã bán hết hàng, nhiều người mang vàng đi lùng mua mà không được, chưa bao giờ quốc nhân lại sùng hàng ngoại như lúc này. Thế là để đáp ứng nhu cầu thị trường, có kẻ đưa sáng kiến phỏng theo dép ấy mà chế thêm, dân chúng vẫn đua nhau mua, thành ra Mô đéc của một thời, thậm chí còn truyền mãi về sau. Lại vì dép này nguyên của người Tống, lại mua về từ nước Lí nên dân chúng gọi là dép Tống Lí”.
Xem thế thì biết thêm việc người Thái mua dép của nhà Lí và cái trào lưu sùng mẫu dép ấy sâu đậm đến thế nào.
Thêm nữa, thầy sống mấy năm bên Thái nên có chú ý đến ngữ âm của họ, do bộ máy cấu âm của họ có đặc biệt, nên họ không phát âm được chuẩn xác thanh điệu của các từ ngoại lai nên chữ Tống khi sang Thái bị đọc biến âm thành Tông; chữ Lí, khi sang Thái bị đọc choại thành Lì. Tông lì chính là cách đọc hai chữ Tống Lí với nghĩa là dép Tống mua từ nhà Lí như sử Thái đã ghi vậy.
(Trên là dép Tống - Lí, đời, do cư dân mạng cung cấp)
[Còn nữa…]

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Tiều lộ ngữ lục - Chuyên san (II)

[Tiếp theo kì trước]
Lại nói, phó bản của bộ Quỳ hoa bảo điển theo nước sông Hồng trôi về phía Thăng Long. Nhân sớm nọ, một gia đình họ Ngô ở Bãi giữa sông Hồng đã tình cờ nhặt được sách ấy. Đây được coi là một khâu rất quan trọng của quá trình truyền lưu của Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông lại hỏi:
- Thưa thầy, rồi sau đó thế nào?
Tiếp một vại bia, nhâm nhi miếng Mộc tồn, tiên sinh Tiều Lộ chậm rãi nói:
- Về việc họ Ngô có được bộ sách, có tài liệu lại ghi là: Sách ấy theo dòng nước trôi đến khu vực Bãi giữa sông Hồng (tức sông Cái, hay Nhĩ Hà), có người đánh cá nọ đánh lưới cá vô tình vớt được, nhưng ngặt là không biết chữ, mà ở Bãi giữa chỉ có họ Ngô có cậu con trai đi học hành nên ông ta mang về cho cậu.
Các tư liệu ghi đoạn này tuy có khác, nhưng đều thống nhất ở chỗ rốt cục Quỳ hoa bảo điển về nhà họ Ngô.
Nói về nhà họ Ngô, con cái cũng đông, cảnh nhà thanh bần, nhưng ưa làm điều thiện, rất tâm đắc với câu: Tích thiện dư khương (Tích thiện thừa phúc). Theo một số sách có ghi thì 4 chữ ấy được khắc trên hoành phi treo ở nhà họ Ngô, được thể hiện rất sắc sảo bằng lối chữ cương kiện của bậc thư gia cao khiết Nhan Lỗ công. Nhà họ Ngô có cậu con trai tên là Tuấn bấy giờ tuổi mới mười nhăm mà cái khí khái chọc trời khuấy nước đã lộ rõ, sách cổ miêu tả là: Lúc nhỏ có kì tướng, lớn lên càng phi phàm. Thể thái đường đường xuất chúng, phong tư nghiêm nghị hơn người. Đến năm đôi tám (16) anh hoa phát tiết, nổi tiếng vượt khỏi Bãi giữa về tài năng văn chương và khả năng cường kí, có điều người ta không mấy ai biết rằng cậu có thiên tư võ học. Lại nhân trước đó mấy năm, nhân ăn một con bích huyết lí ngư nên có được một căn bản nội lực tiềm tàng. Có được sách này, thoạt đọc cậu ta đã nhận ra đó là kì thư của thời cổ nên khi ăn khi ngủ đều ra sức nghiền ngẫm. Lạ thay tuy đã nắm rõ bí phổ, thông rành từng câu chữ, chiêu thức, khẩu quyết nhưng sau nhiều năm dụng công luyện tập, cậu vẫn chỉ phô diễn được cái vỏ của chiêu thức mà không sao phát huy được cái uy lực kinh hồn như sách đã mô tả. Sau, cậu theo học một số danh sư võ học ở Thăng Long, võ công thăng tiến rất nhanh nhưng cuốn bí phổ nọ luôn ám ảnh trong tâm tư cậu, vì thế hễ có dịp là cậu lại mang ra nghiền ngẫm, nhưng kết quả thì vẫn chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi.
Thố ô quá vãng, ngày tháng đẩy đưa, thoắt đấy mà đã hơn chục năm kể từ khi chàng Ngô có được bí phổ. Lúc này chàng đã là một võ tướng, từng xông pha nhiều trận, rõ là: Thêm vẻ vang nhờ quân kị mạnh, lại hào hùng bởi sĩ tốt hăng. Tung hoành oai hổ, vun vút cánh bằng. Do lập được huân công, chàng được nhà vua rất sủng ái, ban cho quốc tính, giữ lại làm quan Hoàng môn trong nội thị, chàng nhân đấy đổi tên thành Thường Kiệt.
Khải Mông tỏ vẻ sốt ruột hỏi dồn:
- Thưa thầy, thế bí kíp võ công thì sao? Ông Lí lập được huân nghiệp có nhờ gì vào nó đâu?
Tiên sinh lại chậm rãi:
- Sau khi đã có công danh rồi, ông Lí vẫn không tranh thủ thời gian trong muôn vàn việc bận để nghiền ngẫm bí phổ. Quả nhiên hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân, sau độ xuống nhà tằm, võ công ông Lí quả nhiên có sự tăng tiến đến mức chính ông cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Khải Mông lấy làm lạ hỏi:
- Thưa thầy, thày có nhắc đến nhà tằm, có lẽ đó là một cái nhà đặc biệt nào đó để luyện công chăng?
Thầy cười, rung rung chòm râu làm mấy bọt bia đang bám trên râu theo râu nhỏ xuống.
Đáp rằng:
- Trò thật là khờ thay! Những người vào làm quan nơi cửa màu vàng (tức Dia-lâu gết – Hoàng môn) đều phải tịnh thân (thiến). Kẻ bị phạm tội mà thiến thì gọi là cung hình. Xưa, sau khi làm xong cái vụ tiểu phẫu đó, người ra đưa người bị thiến xuống khu nhà kín, gọi là nhà tằm, để cho kín gió đặng chờ bình phục.
Khải Mông hỏi:
- Thưa thầy, tại sao sau khi đã tịnh thân thì ông Lí mới thành tựu được công phu bí kíp?
Đáp:
- Điều này thì thọat tiên ông Lí tất nhiên cũng không hiểu đây, sau mới vỡ lẽ rằng sách vốn do nữ nhân sáng tạo nên, do đấy nó lấy nội lực âm nhu làm căn bản để phát huy chiêu thức. Võ công ấy vì thế vốn chỉ phù hợp với nữ nhân thôi. Trước khi tịnh thân, tuy nhờ kì duyên mà ông Lí đã có căn bản nội lực tiềm tàng, nhưng nội lực đó cương mãnh có thừa mà âm nhu không đủ nên rốt cục không sao luyện thành được công phu. Đấy cũng là cái lí do khiến cho sách tuy bị Lục Dận mang về Tầu, những tưởng là báu vật, nhưng cuối cùng khẩu quyết không có, lại toàn nam nhân luyện tập nên thành ra thứ đồ vô dụng mà thôi. Ôi cái tâm cơ của Bà Trưng thật là uyên uyên kì uyên (thăm thẳm vực sâu) vậy! Ông Lí sau khi đã tịnh thân, thể chất thay đổi, cái công lực cương mãnh của ông biến đổi theo, nên mới thành tựu được.
Khải Mông thưa:
- Thưa thày, con đọc sử cũng nhiều, nhưng không nghe nói việc ông Lí dùng đến môn Tịch tà kiếm phổ ạ.
Đáp:
- Khá khen trò cũng là kẻ cường kí vậy, chỉ ngặt nỗi chưa đủ gọi là bác lãm quần thư mà thôi.
Thầy đã nói ở trên, Quỳ hoa bảo điển vốn có ba môn trong đó, gồm Âm dương thần chưởng, Kim châm bí pháp và Tịch tà kiếm phổ. Ông Lí tuy đã tịnh thân, nhưng tính khí thì vẫn nam nhân thôi. Ông cho là anh Kim châm bí pháp, dùng kim vàng, lấy công phu nội lực làm chỗ dựa, vận công búng kim ra, có vẻ giống anh Bắn bi thần công (Đàn chỉ thần công) nhưng nó nữ tính quá, nên không ưa dùng, do đấy sử không ghi là phải. Lại nữa, trước đây ông vốn chuyên dùng đao, nên khi đã luyện Tịch tà kiếm phổ đến mức đại thành rồi, ông lại chế hóa chiêu thức của nó cho phù hợp với đao pháp nên ít ai biết đao pháp của ông thực chính là Tịch tà kiếm phổ vậy. Riêng môn Âm dương thần chưởng thì ông tỏ ra tâm đắc hơn cả, nên với môn này ông Lí có sự dụng công đặc biệt.
Khải Môn lại hỏi tiếp:
- Thưa thầy, phải chăng là cụ cũng có chỉ dạy cho bộ hạ, và chị Quỳ hoa bảo điển này có đóng góp nào đó trong việc đánh bại quân Tống khi chúng kéo sang ta chăng?
Tiều Lộ tiên sinh vỗ đùi khen:
- Khá, trò thực là khá rộng suy vậy.
Bọn người Quách Quỳ, Triệu Tiết sau vụ Ung, Liêm được phái sang chinh phạt nước ta. Rút kinh nghiệm thừ thất bại từ hai châu kia, vả bấy giờ nhà Tống đang khao khát một chiến công lớn đặng dùng cái oai viễn chinh ấy vào nhiều việc nên đặc sai phải tuyển lựa tuyền quân tinh nhuệ đi viễn chinh lần này. May cho ta, mà thảm cho chúng, rằng đời bấy giờ có cụ Lí, thì họ Quách họ Triệu có làm nên cơm cháo gì đâu.
Trận chiến đáng nhớ đã diễn ra ác liệt ở chiến tuyến sông Như Nguyệt. Đếm trước khi diễn ra trận đánh quyết định, quân địch nghe thấy từ đền thờ thần Trương Hống, Trương Hát vang lên lời thơ Nôm thế nầy:

Vua ta ở tại nước ta
Sách trời ghi chép rất là chi li
Hỡi đồ nghịch lỗ ngu si
Tin không, tao đánh, bay thì te tua.

Bấy giờ quân nhà Tống chỉ cảm nhận được giọng ngâm rất đặc biệt mà không hiểu mổ tê răng rứa. Chúng túm dăm tụm ba bàn tán huyên thuyên cả. Quách Quỳ, Triệu Tiết thấy quân binh hoang mang, bẩu thần hiển linh báo điềm gì đó mà nhất thì chưa hiểu, bèn gọi bọn có tài năng trùng địch đến hỏi, chúng thuật lại chuyện xẩy ra và dịch bài thơ thành Hán văn như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cái tài của đám thông ngôn ấy ở chỗ khi chuyển thể, chúng chuyển được hai chữ Nghịch lỗ vốn thuần Nôm mà lại thành ra là thuần Hán vậy.
- Quách Quỳ hiểu chuyện liền trấn an tinh thần binh lính và chuẩn bị mọi việc cho cuộc chiến quyết định sớm hôm sau như hai bên đã thách nhau. Sáng hôm sau, Quách Quỳ bày sẵn trận Bá quái của Khổng Minh khi xưa, phân làm 8 cửa là: Hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai… lại dùng các vật khác hỗ trợ lập trận, trong trận khói sương tỏa ra rợn ngợp. Quách Quỳ lên đài cao nhìn sang trận Đại Việt, thấy dẫn đầu là một tướng khá trẻ, đầu đội mũ chỏm kim cương, mặc nhuyễn ti giáp cộc tay, cưỡi ngựa ô truy, tay cầm trường đao. Tuy thấy tướng ấy có vẻ kiêu dũng, nhưng xem trận pháp thì chỉ là một trận Trường xà đơn giản, Quỳ khấp khởi mừng thầm, phát hiệu thách đối phương phá trận. Liền thấy tướng Việt hô quân: “Tiến liên ….ên!”. Tiếng hô hệt giọng ngâm thơ đêm trước, quân binh của Quỳ nghe thấy đã chột dạ, cho là thần linh hiển linh đã phù trợ tướng Việt. Riêng Quỳ thấy tướng ấy nhằm thẳng cửa Tử tiến vào, rồi đánh chếch về phía cửa Thương, sau lòng vòng đánh về cửa Đỗ… lại càng mừng và tỏ ý coi thường. Nhân một thoáng không chú ý, đã thấy quân mình xao xác, trận pháp rối loạn, tướng Việt đã phóng đến gần đài chỉ huy. Nguyên Lí Thường Kiệt vốn Lục thao kiêm bị, Tam lược gồm thâu, binh pháp trăm nhà không nhà nào không truy cứu đến chỗ áo chỉ thì với trình độ lập trận của bọn Quỳ bọn Tiết có thấm vào đâu, nhưng thọat tiên vờ tỏ ra ngu ngơ về trận pháp để cho tướng địch sinh kiêu, rồi bất thần hô quân vũ lộng thần uy đánh thốc ra cửa Sinh, kẻ phóng kim vàng, người lia kiếm thép, phá tan trận địch trong nháy mắt, tiến đến chỗ Quỳ, toan thuật “cầm vương”. Thấy chí nguy, Quỳ liền tức tốc phi thân xuống đài, nhảy lên con Bạch thố (vốn cũng là loại tuấn mã, chút chít nhiều đời của con Xích thố khi xưa) phóng chạy, bị Lí Thường Kiệt ám theo công phu Kim châm bí pháp, búng theo hai bi, cốc chén tan tành, tuy sau có phạm phải tội bất hiếu nhưng may không đến nỗi mạng vong.
[còn nữa...]

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

TIỀU LỘ NGỮ LỤC - Chương đặc biệt

Một ngày nọ, nhân lúc hầu bia thầy, Khải Mông hỏi thầy:
- Thưa thầy, con thấy trên Tàng kinh xép (Gác xép đích xép) của thầy có cuốn Tiếu ngạo giang hồ, con đã đọc qua, thấy trong truyện, anh chàng Lệnh Hồ là tay khá, ấy vậy mà rồi đến lúc cuối lại dính đến vụ phải dao kiếm hạ thầy, đến nỗi thày phải vong mạng, tuy cũng là kết cục ắt có của kẻ đại ác, nhưng thực cũng có cái không trọn vẹn. Phải chăng là chỗ ấy, tác giả có ít nhiều bất cập chăng?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con đọc sách cũng khá gọi là tinh, có thể cùng nói về chưởng được rồi vậy. Nay con mua phải món Mộc tồn khí hơi già, bền mồi, thầy nhân đây cũng nói thêm cho con được biết.
Nguyên cái sự đa đoan của truyện ấy là vì anh Tịch tà kiếm phổ mà ra. Cái anh tịch tà kiếm phổ này, ông Kim Dung hiểu về nó còn nông cạn lắm, cho nên chưa biết được gốc gác câu chuyện, chỉ đinh ninh nó vốn là vật tổ truyền của nhà họ Lâm mà thôi. Kì thực không phải vậy. Tịch tà kiếm phổ vốn là của Việt Nam ta vậy.
Xưa, Bà Trưng căm giặc nước rông càn, phất quần nương tử thay quyền tướng quân, đánh cho giặc thất điên bát đảo. Người đàn bà ấy cùng đạo quân của bà vì sao có thể có sức mạnh ghê gớm vậy? Theo sách đồng mà thầy mới khai quật được các nay vài chục năm bên bãi sông nọ, mới hay đội quân của bà ai nấy đều vũ nghệ rất chi là tinh thông. Theo tài liệu này, Bà Trưng vốn có thiên bẩm mẫn tuệ, tư chất hơn người, lại nhiều lần gặp kì duyên, được danh sư chỉ giáo, sau rốt bà tổng kết võ nghệ danh gia, chế ra môn võ công đặc dị là Quỳ hoa bảo điển. Kì hoa bảo điển bao gồm trong đó ba môn tuyệt học là: Âm dương thần chưởng, Tịch tà kiếm phổ và Kim châm bí pháp. Được trang bị ba môn này nên quân bà đi đến đâu, giặc nếu không mất mạng thì cũng mất dép. Ngặt nỗi sau đấy mắc mưu gian của giặc, cuối cùng ôm bí phổ mà ra đi. Thật là một cáy sự đáng tiếc lắm.!
- Khải Mông thưa: Dạ thưa thầy, gần đây, giới khảo cổ khai quật được một số xác giặc ở chiến địa xưa, thấy xương chúng lỗ chỗ, phải chăng đó là do anh Kim châm bí pháp gây ra?
Thầy đáp:
- Chính vậy. Anh khảo cổ thật là rất hữu dụng nhất là trong tình trạng thư tịch mất mát như nước ta vậy.
Khải Mông hỏi tiếp:
- Thưa thầy, thầy mới chỉ ra gốc gác của môn Tịch tà kiếm phổ, chứ chưa nói việc sau đó thế nào?
Đáp:
- Mồi bền, con cứ yên tâm, để thầy nói tuần tự cho hay.
Lại nói khi Bà Trưng mất đi rồi, những tưởng môn tuyệt học kia sẽ thất truyền, không ngờ sau đấy, duyên may run rủi, có người đã tình cờ mà thấy được nó, người đó không phải ai đâu xa lạ, chính thị là Bà Triệu.
Bà Triệu sau khi có được sách này liền ngày đêm luyện tập, chả mấy chốc đã kiêm thông cả ba môn tuyệt học kia. Không chỉ vậy, với tố chất đặc dị khác người, bà còn luyện thêm được một môn công phu độc đáo khác mà công phu ấy về sau chưa thấy ai tiếp thu và tập luyện thành công. Về công phu này, lúc khác thày sẽ nói cho con tỏ tường.
Khải Mông:
- Dạ thưa thầy, sau đó thế nào?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con có biết anh Hạng Vũ không? Vũ vốn có sức tuyệt luân, lại được truyền thụ võ nghệ, nhưng nhận thấy cái sức mạnh một thân mình không đủ gồm thâu thiên hạ nên chuyển qua học binh pháp. Binh pháp thực lợi hại. Bà Triệu tuy võ công rất Zíp (siêu quần dã), nhưng anh Lục Dận (cháu Lục Tốn) vốn là tay trí trá, lại tinh thông gia học nên rốt cục bà mắc phải kế gian, ôm hận ra đi. Âu lại là một cái đáng tiếc vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, một thân võ nghệ mà vẫn phải ôm hận mà về, thực là xót xa chi thậm. Vậy sau khi bà mất, Quỳ hoa bảo điển luân lạc về đâu ạ?
Đáp:
- Bà Triệu ra đi rồi, Quỳ hoa bảo điển cũng biến mất. Gần đây, theo khảo cứu của hội Thiên nhân, sau khi đánh bại Bà Triệu, Lục Dận đã thu được sách này và đưa về bên Tầu. Từ đó, Quỳ hoa bảo điển lưu lạc bên ấy, quá trình truyền lưu rất phức tạp, nhất thời không thể nói xiết được.
Khải Mông:
- Thầy nói có điều con chưa thông ạ.
Hỏi:
- Điều nào vậy?
Thưa:
- Như thầy nói, anh Quỳ hoa bảo điển đã sang Tầu từ hồi nhà Ngô rồi, sao sau đó trong vũ lâm không thấy cao thủ nào sử dụng công phu này?
Tiều Lộ tiên sinh uống thêm vại bia rồi chậm chạp nói tiếp:
- Con hỏi thực hay. Cái gì cũng có cái lí của nó vậy.
Nguyên Quỳ hoa bảo điển cũng như các môn tuyệt học khác thôi, có thư mà không có người truyền thụ cho thì không phải dễ tự mày mò mà được đâu.
Hỏi:
Sao trước đây bà Triệu lại luyện thành được ạ?
Đáp:
- Sách hồi bà Triệu dùng là sách hoàn bị, sau, phòng sách không may rơi vào tay kẻ gian nên bà Triệu đã tách phần khẩu quyết ra riêng một chỗ. Bà tiên đoán quả như thần vậy, anh Lục Dận vợt được sách đó, nhưng thiếu khẩu quyết nên thành ra vô dụng vậy.
Hỏi:
- Thưa thầy, sao sau này, cánh Nhạc Truồng (Bất quần: Truồng dã) lại luyện được đến cảnh giới cao đến vậy?
Đáp:
- Ấy là chuyện sau này đó con, ta hãy tạm chưa nói đến.
Lại hỏi:
- Thưa thầy, sách Tầu chôm mất rồi, thật là uổng thay!
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
Cái đó chưa hẳn. Sau này, ở nước ta có người nhờ thiện duyên mà lại luyện thành được công phu đó vậy?
Hỏi:
- Thưa thầy? Ai vậy ạ?
Đáp:
- Con có biết đền thờ bà Trưng ở đâu không?
Đáp:
- Dạ thưa, các cách sông Nhị Hà chả mấy, vốn ở xứ Đoái.
Thầy:
- Uh.
Theo cuốn Nhị Trưng bí phổ, trước khi mất, Bà Trưng có nhờ tỉ muội mình chép thêm một phó bản Quỳ hoa bảo điển. Chính bản sau bà Triệu có được. Phó bản đó vốn cất ở nơi bí mật. Về sau, bà lại ứng mộng cho dân làng mang nó về đền. Nguyên sách được niêm phong kín, lại để trong hộp nên dân làng vốn cũng không biết bản lai diện mục thế nào. Tháng ngày thấm thoắt, trên dưới tám trăm năm sau anh linh hiển ứng, bà ứng mộng, báo cho dân làng biết, vào đêm Rằm tháng Giêng, dân làng phải đem chiếc hộp kia ra hóa tại bờ sông. Dân làng y lời. Chiếc hộp liền được hóa, rồi được đổ xuống sông. Nhưng phó bản ấy vốn dĩ được viết trên một chất liệu đặc biệt, nên hộp cháy mà sách vẫn nguyên. Theo dòng, sách trôi về phía Thăng Long. Nhân một sớm, một gia đình họ Ngô ở Bãi giữa sông Hồng đã tình cờ nhặt được sách ấy. Đây là một khâu rất quan trọng của quá trình truyền lưu của Quỳ hoa bảo điển vậy.
Khải Mông:
- Thưa thầy, rồi sao ạ?
[còn nữa]



Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - tiếp

Khải Mông: Thưa thầy, xem bức ảnh này thì có lẽ đây là bàn tay một phụ nữ phải không ạ?
Tiều Lộ tiên sinh: Sao con lại nghĩ vậy?
Khải Mông đáp: Vì con thấy thật là mềm mại ạ.
Tiều Lộ tiên sinh: Trong trường hợp này thì đúng, nhưng con cũng phải biết rằng nhiều nam giới cũng có bàn tay mềm mại lắm vậy, như tay thầy đây chẳng hạn.
Nói xong liền chìa tay cho trò xem.
Hỏi: Thưa thày, cứ theo bức ảnh này mà suy, hình như người này cụt một tay thì phải.
Thày đáp: Sao con lại nghĩ thế?
Đáp: Gần đây con có nghe nói đến một con rồng thời cổ, rồng ấy nghe đâu có đến 3 tay nhưng chỉ có một chân. Ba tay mềm lắm, nghe bảo của nữ, còn một chân thì nghe đâu của hai người đàn ông. Một người đàn bà mà có đến ba tay. Hai người đàn ông mà chỉ có một chân. Vấn đề thực phức tạp lắm ạ! Theo thiển ý của con, người đàn bà này đã bị đột biến "Zen". Từ đó mà suy, khả năng do bị nhiễm phóng xạ, như đám chuột ở chỗ Chéc nô bưn thì phải. Lại suy thêm thì có lẽ từ cổ xưa, trước hồi triều Lí ở nước ta đã phát triển về khoa học hạt nhân rồi ạ.
Người hai người đàn ông kia chỉ có một chân, hiện chưa nghiên cứu ra là chân chính hay chân phụ, là chân của ai trong hai người đó. Nhưng dẫu chân ai, chính hay phụ, theo con, họ không què thì cụt, hoặc chí ít là thọt ạ! Con đã loại bỏ khả năng họ bị DÍNH do bẩm sinh như một số ca gần đây đài báo hay đưa tin, vì họ không do một mẹ sinh ra, nên không thể có khả năng này.
Lại nữa, đã ba tay, một chân, mà lại chỉ có một thân, thế mà bảo tay nữ, chân nam... thì con lại đồ cái thân kia là "xăng pha nhớt". Thiển ý của con là vậy, dám hỏi ý thầy ra răng?
Tiều Lộ tiên sinh: Con ạ, người ta là nhà nghiên cứu này nọ, thày chỉ là lều nghiên cứu thôi, không phải bậc sinh nhi tri, nên việc này thày trò ta cứ chú ý nghĩ thêm, nhân chờ xem giới nghiên cứu bẩu sao. Riêng cái ý nói về nguyên tử thì thày cho là có lí. Cứ đọc di văn hồi Lí - Trần về sau thôi thì biết, các cụ xưa khoa học tự nhiên khá lắm. Hồi Lí - Trần các ông vua bấy giờ chả liên hồi nhắc nào là Đại số (Thiên chi đại số), Vật lí (Vật lí đương nhiên) ... là gì!
Cái ý "xăng pha nhớt" cần chứng minh thêm. Nhưng nếu thực là có thì phải nói là đây chính là tác phẩm đề cập rất hình ảnh về cánh Bê đê đó con. Tư liệu thậm quý, thậm quý!
Thầy đọc cổ thư, thấy bên hồ Nốc - Nếch có con quái vật được mô tả thế này:
Ba tay gái, một chân giai;
Cái thân của nó bị "Gai" mất rồi.
Có lẽ chính là nó chăng? Sao nó lại bò sang đến đây được? Ồ, đúng là "Quái quái sự lạ" (Đốt đốt quái sự).
Khải Mông: Dạ! vâng! rất lạ!