Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Tiều Lộ ngữ lục - Chuyên san (III)

[Tiếp theo kì trước]
Khải Mông:
- Thưa thầy, sao lại nói là Quách Quỳ “sau có phạm phải tội bất hiếu” ạ?
Thầy cười khoan hòa nói:
- Người Tống vốn nặng nề về quan niệm con cái nối dõi tông đường, cho “vô hậu” là việc đại bất hiếu. Quách Quỳ đã bị cụ Lí hủy mất phương tiện rồi, thì tội ấy y tránh sao được!
Đáp:
- Con đã minh bạch ạ!
Tiên sinh nói tiếp:
- Quân Tống thấy chủ tướng tháo thân thì càng loạn, xéo lên nhau mà chạy, trống mái phút chốc đã phân rõ. Thấy giặc đã tan chạy, Lí Thường Kiệt liền khua chiêng thu quân. Có người hỏi: Ta đang thừa thắng ruổi dài, sao chủ tướng vội thu quân? Cụ Lí cả cười nói: Giặc cùng chớ đuổi, vả ta còn toan chước về sau nữa. Quân binh thưa? Ta không chém chúng, lấy đâu tai giặc về để báo công? Cụ Lí cười ngất, các người không nhìn kĩ chiến trường ư? Thây giặc chất thành gò, dép giặc chất đống, hãy cắt tai, thu dép về đây! Lát sau quân binh về báo, trận này ta toàn thắng, chém ba vạn sinh dục địch, thu 6 vạn đôi dép Tống. Kiểm lại quân ta, thiệt mất 301, không tính số sứt chân, sứt tay, số bị thương có 478 người, thực là cuộc chiến vẹn toàn vô tiền khoáng hậu, dẫu Gia Cát tái sinh vị tất đã hơn được.
Khải Mông vùa tiến bia vừa nói:
- Thưa thầy, phó bản của Quỳ hoa bảo điển về tay cụ Lí, thực là không uổng cái khổ công của cổ nhân vậy. Ngoài Quỳ hoa bảo điển, phải chăng có thần giúp sức?
Đáp: Chí phải. Sau trận ấy, nhà Tống nguội hẳn cái ý đồ xâm chiếm phương Nam. Từ đó âu vàng đặt vững, thế nước thịnh cường. Nói về cụ Lí, sử ghi: “Dẹp khói lăng khắp miền biên tái, dẹp giặc dữ đủ bốn phương trời. Nếu không phải sức thánh thần phò trợ, sao có thể làm được như vậy!”. Ư hi! Bà Triệu chẳng phải là thánh thần đấy ru?
Đời sau có thơ Thủ vĩ ngâm khen cụ Lí rằng:

Thượng tướng hà tu hữu mĩ nhiêm
Thí khan Thái úy tại trận tiền
Lưỡng đạn truy hồn Quỳ ngọc toái
Thượng tướng hà tu hữu mĩ nhiêm.

Dịch thơ:
Thượng tướng cần chi phải có râu
Hãy xem Thái úy trước trận đầu
Đôi đạn truy hồn Quỳ ngọc nát
Thượng tướng cần chi phải có râu

Lại hỏi:
- Thưa thầy, thầy có nói cụ Lí ra trận mặc áo cộc tay, con thấy cứ băn khoăn hoài.
Đáp:
- Phải chăng ý con nói là nó có giảm cái vẻ uy phong của võ tướng?
Đáp:
- Dạ!
Tiều Lộ tiên sinh:
- Cái đó kể cũng có, nhưng kìa như cụ Lí là người đã đạt lí, nên chuộng cái chất và ít chú trọng cái văn lòe loẹt. Chiến tướng ra trận, nhiều anh nai nịt cồng kềnh, tay chân vướng víu, làm mất đi cái linh động khi triển khai chiêu thức võ công, thế thì diện một tí mà có lợi chi đâu. Cho nên kinh điển thánh hiền có nói câu “Ố kì văn chi trứ” đó vậy.
- Lại hỏi:

Thưa thầy, theo thầy nói thì bài thơ ngâm ở đền thần Trương Hống, Trương Hát là Nôm, thế thì giặc nghe sao hiểu được?
Tiều Lộ tiên sinh đáp:
- Con hỏi khá gọi là hay vậy!
Vốn dĩ thì cụ Lí cho đọc bài thơ ấy trước hết cốt để cho quân sĩ ta nghe, đặng làm họ phấn khích tinh thần lên vậy. Cho nên trong bài có nói quân giặc vô cơ sang xâm phạm, không chỉ vậy mà còn toan “nghịch lỗ”. Cái ấy là xâm phạm đến quyền lợi thiết thân của toàn dân và binh sĩ, cái tội táy máy ấy thậm nặng, thật là bất cộng đái thiên vậy.
Nói ở phương diện khác, bọn người Tầu vốn có truyền thống về dịch thuật, như từ thời Thành Vương nhà Chu, người nước ta vào triều Chu chơi, tặng đôi con trĩ để vua Chu ngâm rượu chơi, bấy giờ Chu Công là bậc thánh thông tuệ mà không hiểu người nước ta nói gì, họ phải dùng cách phiên dịch, chuyển ngữ qua nhiều khâu, nghe nói quan gần chục khâu mới hiểu ra vấn đề. Đại để các triều bên Tầu đều có cánh trùng dịch ấy cả. Khi đi chinh chiến nước khác chúng cũng được triều đình phái đi. Cho nên thơ cụ Lí chúng dịch ngay thành thơ Hán. Điều ấy chứng tỏ chuyên môn rất cao. Riêng chữ “nghịch lỗ” thì chúng chuyển nguyên sang Hán văn, thế là tránh được cái ý do ta kết tội chúng. Các nhà làm sử về sau lại sùng chữ Hán, không chép nguyên bài Nôm, khiến cho cái tinh thần của nguyên tác đã bị sai lạc đi đôi chút rồi.
Khải Mông:
- Dạ!
Lại hỏi:
Thầy nói ta thu được đến 6 vạn đôi dép Tống, sao sau đó không nghe sử ghi về số dép này?
Đáp:
- Sử ta nay thiếu khuyết thậm nhiều. Nhưng với việc này, sử gia không nhắc cũng là phải lắm.
Hỏi:
- Thưa thày, con không hiểu ý thày nói ạ!
Tiều Lộ tiên sinh nói tiếp:
- Cách đây không lâu, thành qua du lịch Thái Lan, nhân đấy tiến hành sưu tập tư liệu cổ của nước họ, vô tình đã tìm được một tài liệu quý, vì thế mới hiểu rõ chuyện liên quan đến số dép kia.
Theo sách này, bấy giờ người Thái thương nghiệp khá thịnh đạt, thương nhân Thái đi khắp các nước, nhất là các nước lân cận, không khác gì bọn người Hồi Hột mà nhà Nguyên dùng sau này, chỉ khác là không làm tình báo thu thập tin tức như kiểu tay Y Ôn mà sử ta có nhắc mà thôi.
Cánh thương nhân này nhân qua Thăng Long, thấy đám lính của ta có kẻ đi loại dép lạ, hỏi ra mới biết vốn là chiến lợi phẩm thu được từ quân Tống, lại hay triều đình nhà Lí còn lưu kho 6 vạn đôi. Cánh thương nhân thấy đồ quý, liền mua lại của cánh lính mấy đôi, mang về nước thì bán chạy như tôm tươi, liền tập hợp cánh chuyên gia đếm cua, nhẩm tính về món lợi khổng lồ sẽ có thể thu được, rồi gom vốn mang sang nhờ một viên quan trong triều ướm hỏi triều đình nhà Lí để xin mua lại số dép kia. Bấy giờ nhà Lí làm nhiều việc thổ mộc, tốn kém khá nhiều, lại thấy số dép ấy lưu kho kẻ cũng không ích gì nên chỉ giữ lại số ít, còn lại ưng bán cho chúng với giá rất cao. Cánh thương nhân so với giá mà họ đã bán ra trước đó, thấy vẫn cực hời nên chấp nhận mua tất. Số dép này lập tức được mang ngay về Thái. Dân Thái bấy giờ rất chuộng, ai mua được một đôi thì cả mừng, cho là sành điệu lắm lắm. Nhưng do số lượng có hạn, vả lại đồ dùng lâu ngày cũng phải hỏng nên người Thái phỏng theo hình dáng, sản xuất ra đời f2 của loại dép Tống đó. Mẫu dép ấy nay có thể khảo được, nó chính là loại Tông lì mà nay ta vẫn nhập của Thái đó vậy.
Khải Mông hỏi:
- Thưa thầy, sao thầy lại xác quyết về dép Tống và Tông lì.
Thày cười đáp:
- Khải Mông con quả còn mông muội lắm! Cái đó khó chi đâu. Có hai cứ liệu có thể biết đích xác việc đó!
Thứ nhất: so sánh kiểu dáng của dép Tống khai quật được ở chiến tuyến sông Như Nguyệt với Tông lì ngày nay thấy giống hệt, hoặc giả nếu có khác cũng chỉ có tiểu dị mà thôi.
Thứ hai: Sử Thái ghi:
“Người trong nước gần đây rất chuộng loại dép Tống do cánh thương nhân mua từ nước Lí mang về, nghe nói có đến gần 6 vạn đôi mà chỉ vài ngày thương nhân đã bán hết hàng, nhiều người mang vàng đi lùng mua mà không được, chưa bao giờ quốc nhân lại sùng hàng ngoại như lúc này. Thế là để đáp ứng nhu cầu thị trường, có kẻ đưa sáng kiến phỏng theo dép ấy mà chế thêm, dân chúng vẫn đua nhau mua, thành ra Mô đéc của một thời, thậm chí còn truyền mãi về sau. Lại vì dép này nguyên của người Tống, lại mua về từ nước Lí nên dân chúng gọi là dép Tống Lí”.
Xem thế thì biết thêm việc người Thái mua dép của nhà Lí và cái trào lưu sùng mẫu dép ấy sâu đậm đến thế nào.
Thêm nữa, thầy sống mấy năm bên Thái nên có chú ý đến ngữ âm của họ, do bộ máy cấu âm của họ có đặc biệt, nên họ không phát âm được chuẩn xác thanh điệu của các từ ngoại lai nên chữ Tống khi sang Thái bị đọc biến âm thành Tông; chữ Lí, khi sang Thái bị đọc choại thành Lì. Tông lì chính là cách đọc hai chữ Tống Lí với nghĩa là dép Tống mua từ nhà Lí như sử Thái đã ghi vậy.
(Trên là dép Tống - Lí, đời, do cư dân mạng cung cấp)
[Còn nữa…]

2 nhận xét: